Giãn cách vì Covid-19: Nhiều lao động tự do tính chuyển nghề tạm thời

Sơn Kim

(Dân trí) - Sau khi Hà Nội quyết định giãn cách xã hội, nhiều lao động tự do đã chủ động đi làm thêm nhiều nghề khác để thích ứng và duy trì cuộc sống.

Người lao động chia sẻ quan điểm về quy định giãn cách xã hội

Giảm 1/2 thu nhập vì Covid-19

Mới dắt xe ra đường từ 8h sáng, anh Nguyễn Văn Hưng (quê Thanh Hóa) đã phải quay lại phòng trọ lúc 11h trưa. Anh cho biết công việc làm tài xế xe ôm của mình vài ngày đầu năm không được thuận lợi.

"Mọi năm, chúng tôi chạy không kịp cả uống nước nhưng năm nay nhưng do dịch bệnh nên rất ít người có nhu cầu đi lại. Vắng vẻ quá, tôi đành lại phòng trọ nghỉ đợi đến chiều xem tình hình có khá hơn không", anh Hưng chia sẻ.

Giãn cách vì Covid-19: Nhiều lao động tự do tính chuyển nghề tạm thời - 1

Anh Hưng cho biết, đầu năm nay thu nhập của mình chỉ bằng 1 nửa tầm này mọi năm.

Theo anh Hưng, mỗi dịp đầu năm anh có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày. Năm nay mặc dù đã chủ động lên Hà Nội từ mùng 3 Tết nhưng số lượng khách chỉ bằng khoảng một nửa năm ngoái.

Cũng giống như nhiều người lao động khác, cá nhân anh Hưng ủng hộ Thành phố về quy định giãn cách xã hội nhằm tránh lây lan dịch Covid-19. Trước mắt, anh Hưng tính nhận thêm công việc đi giao hàng để cải thiện thu nhập.

Cùng tình cảnh với anh Hưng, ông Vũ Văn Hoàng (quê Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Cả ngày hôm nay, tôi mới kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Thời buổi này xe ôm như tôi thì đông, lại thêm dịch bệnh nên người dân đi lại ít".

Giãn cách vì Covid-19: Nhiều lao động tự do tính chuyển nghề tạm thời - 2

Trong lúc chờ khách, ông Hoàng cập nhật tình hình dịch bệnh trên mạng Internet.

Nhận định về quy định giãn cách xã hội của UBND TP Hà Nội, ông Hoàng cho rằng chính quyền đã ứng phó rất kịp thời. Theo ông Hoàng, người lao động tự do như ông muốn công việc ổn định trở lại thì dịch Covid-19 phải được chấm dứt càng nhanh càng tốt.

"Thời điểm này thu nhập giảm đi nên cánh xe ôm chúng tôi phải tiết kiệm chi tiêu để duy trì cuộc sống thôi. Tôi hy vọng dịch bệnh càng lắng xuống bao nhiêu thì đời sống dân sinh sẽ đi vào ổn định", ông cho hay.

Bán thú bơm hơi, trông xe

Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Ngoan (quê Hưng Yên) kể từng mưu sinh bằng nghề bán ngô, khoai nướng. Sau khi nắm được thông tin Hà Nội quy định dừng hàng quán ăn uống vỉa hè, bà đã chuyển sang bán các mặt hàng các con thú cưng bơm hơi để kiếm thêm thu nhập.

Giãn cách vì Covid-19: Nhiều lao động tự do tính chuyển nghề tạm thời - 3

Mấy hôm nay, bà Ngoan chuyển sang bán mặt hàng bóng bay hình thú cưng để thích ứng với quy định giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội.

"Bán rong mặt hàng này cho thu nhập không được khá như trước kia tôi bán đồ ăn. Nhưng để thích ứng với tình hình giãn cách xã hội, tôi phải tạm thời chấp nhận để tránh cảnh thất nghiệp", bà cho hay.

Theo bà Ngoan, tuy người lao động gặp khó khăn đôi chút nhưng nếu tất cả nghiêm chỉnh chấp hành thì chỉ một thời gian nữa, mọi người sẽ yên tâm làm việc - khi dịch Covid-19 được dập tắt.

Trong khi đó, anh Hoàng Khánh (quê Hòa Bình) - nhân viên một quán cà phê ở quận Tây Hồ, Hà Nội - cho biết: "Chủ quán của tôi đã chủ động đóng cửa quán từ mùng 5 Tết để chấp hành quy định của thành phố Hà Nội. Tôi xin nhận ở lại trông hàng quán khi khách có nhu cầu mua hàng đem về".

Giãn cách vì Covid-19: Nhiều lao động tự do tính chuyển nghề tạm thời - 4

Anh Khánh dự định sẽ nhận thêm nghề giao hàng để bù đắp chi tiêu.

Cùng quan điểm với bà Ngoan, anh Hoàng Khánh cho rằng thời điểm này người lao động cần đồng lòng để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Trước mắt, anh Hoàng sẽ nhận thêm công việc đi giao hàng cho quán cà phê để cải thiện thêm thu nhập. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, anh tính cuối tuần bắt xe về quê để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.