Kẹt xe, dân văn phòng "cắn răng" bỏ lì xì 1 triệu đồng để né tiệc tất niên
(Dân trí) - "Dạo này không hiểu sao đi khung giờ nào cũng kẹt xe. Nghĩ đến cảnh mất hơn 1 tiếng để đến ăn tiệc tất niên rồi lại ì ạch đến tối muộn mới về tới nhà, tôi cảm thấy thật mệt mỏi", chị Thu Hoài nói.
Nhận thông báo về tiệc tất niên của công ty, chị Thu Hoài (40 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM), nhân viên văn phòng, vội vã từ chối.
Sau đó, sếp đã nhắn tin liên tục, thuyết phục rằng những người có mặt sẽ được lì xì 1 triệu đồng. Tuy nhiên, chị và một số đồng nghiệp vẫn chọn ở nhà.
"Dạo gần đây, tôi không hiểu vì sao đường sá kẹt xe hơn bình thường. Không riêng giờ cao điểm, một số tuyến đường hầu như đông đúc phương tiện qua lại cả ngày lẫn đêm. Trước đây, tôi di chuyển từ công ty ở quận 3 về nhà chỉ mất khoảng 30 phút, nay đi hơn 1 tiếng mới tới nơi. Về đến nhà cơ thể bủn rủn, không còn sức làm việc gì", chị Hoài nói.
Công ty tổ chức tiệc tất niên vào thứ bảy nên lãnh đạo cho phép nhân viên chỉ làm buổi sáng, để có thời gian về nhà chuẩn bị tham gia tiệc tối.
"Nghĩ đến cảnh buổi sáng chen chân trong giờ cao điểm để đi làm, trưa lại chịu cảnh kẹt xe về nhà, tối tiếp tục ùn tắc trên đường để đi dự tiệc tất niên, tôi không còn tâm trạng nào đi nữa. Bởi di chuyển hơn 1 tiếng đến nơi thì lớp trang điểm cũng bị nhòe mất, mặt mũi phờ phạc, không còn vui vẻ gì", chị Hoài chia sẻ.
Không những vậy, tiệc tất niên thường sẽ đãi đồ uống có cồn, chị Hoài buộc phải di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Tính nhẩm chi phí di chuyển, sắm quần áo, dụng cụ trang điểm để chuẩn bị cho bữa tiệc, nữ nhân viên văn phòng khẳng định: "Phong bì lì xì 1 triệu đồng của sếp không đủ. Điều đó càng khiến tôi nghĩ ở nhà nghỉ ngơi vẫn tốt hơn".
Thu Thảo (25 tuổi, ngụ tại quận 4), nhân viên văn phòng tại TPHCM, cho hay những ngày qua, cô liên tục từ chối những lời mời tham dự tiệc tất niên. Thậm chí, nhiều hôm, Thảo còn phải xin cấp trên cho làm việc từ xa vì không chịu nổi cảnh kẹt xe cuối năm.
"Đoạn đường đi từ nhà đến công ty ở quận Bình Thạnh trước đây chỉ mất khoảng 17 phút, nhưng những ngày gần đây hơn nửa tiếng tôi mới đến nơi. Những đoạn kẹt nhất có thể kể đến như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, 3/2… Có hôm tôi xin phép nghỉ ca sáng, vào ca 14h nhưng vẫn bị muộn vì kẹt xe", Thảo ngán ngẩm.
Thảo cho hay dạo gần đây, cô chờ hơn 30 phút, đặt cùng lúc 3 hãng xe công nghệ thì mới mong có 1 tài xế nhận cuốc, đến đón. Không những vậy, cước phí cuốc xe khung giờ cao điểm trên ứng dụng đặt xe thay vì bắt đầu tính từ 17h như thường lệ, nay chỉ mới 16h, Thảo đã phải trả nhiều tiền hơn.
"Cuối năm, công việc bận rộn làm mãi không xong. Đường sá thì đông đúc, ùn tắc, đặt xe ôm công nghệ thì phải chờ đợi lâu. Nghĩ đến cảnh chen chúc trên đoạn đường kẹt xe, phờ phạc đến tiệc tất niên mà vẫn phải ôm laptop để hoàn thành công việc, tôi chọn ở nhà cho khỏe. Một năm phấn đấu, làm việc vất vả, tôi chỉ muốn những ngày cuối năm trôi qua thật nhẹ nhàng", Thảo bộc bạch.
Ngày 13/1, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, những ngày qua, dữ liệu từ trung tâm điều khiển ghi nhận lưu lượng xe trên các tuyến đường tăng 2,8-11,4% so với cùng kỳ.
Các tuyến đường tại trung tâm thành phố tăng khoảng 17%, một số khu vực cửa ngõ cũng tăng 10% khiến tình hình ùn tắc giao thông trở nên căng thẳng hơn.
Trên thực tế, năng lực thông hành qua các nút giao của TPHCM những ngày qua có xu hướng chậm hơn, chu kỳ đèn xanh không thể giải tỏa hết xe, ảnh hưởng dây chuyền tới các giao lộ liền kề.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như nhu cầu đi lại, mua bán tăng cao cuối năm, nhiều lễ hội, sự kiện… phải hạn chế một số tuyến đường.
Mặt khác, Nghị định 168 sau khi có hiệu lực, mức phạt cao đối với các vi phạm nên người dân đã tuân thủ hơn, nhất là hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ. Trong khi với mật độ xe rất lớn, các tuyến đường khu trung tâm đa phần có nút giao gần nhau dẫn đến tình trạng dừng chờ kéo dài.