Dân văn phòng ở TPHCM dầm mưa 2 tiếng chỉ đi được 500m
(Dân trí) - Hơn 2 tiếng di chuyển trên đường, Đỗ Thái, nhân viên văn phòng ở TPHCM vẫn chưa thể về đến nhà, dù khoảng cách từ công ty đến phòng trọ chỉ vài km.
Dầm mưa suốt đoạn đường về nhà
17h30, Minh Ngọc (28 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM), nhân viên văn phòng, sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị tan ca. Nữ nhân viên công sở thở phào nhẹ nhõm khi có một ngày tan làm đúng giờ. Thế nhưng, nụ cười của cô bị "dập tắt" ngay lập tức khi đồng nghiệp thông báo rằng ngoài trời đang mưa to.
Mở rèm cửa, cô gái ngán ngẩm khi trời đen kịt, mưa lớn và sấm chớp. Thế nhưng, vì muốn về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, Ngọc vẫn cố lái xe hòa vào dòng người đông nghịt.
Để về nhà, Ngọc phải đi qua đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), đoạn đường ngày nào cũng kẹt xe, nay còn "dữ dội" hơn trong cơn mưa lớn.
"Trời đổ mưa nên ai cũng muốn nhanh về nhà. Người thì chạy lên vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, khiến cho đoạn đường ngày càng ùn tắc.
Sợ phải "chôn chân" trên đường cả tiếng như mọi khi, tôi đã đi theo dòng người qua một con hẻm, dù chẳng biết rõ nó dẫn đến đâu", Ngọc nói rằng khoảnh khắc ấy, cô chỉ muốn thoát khỏi dòng xe kẹt cứng càng nhanh, càng tốt.
Sau nhiều lần rẽ, cô gái đã ra được đường Điện Biên Phủ, nhưng nếu muốn đến TP Thủ Đức, Ngọc cần đi qua đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đoạn đường này cũng đang ùn tắc nên Ngọc quyết định di chuyển lên cầu vượt Hàng Xanh, chấp nhận đi đường vòng từ Hoàng Sa, sang Phan Xích Long, Nguyễn Kiệm rồi đến Phạm Văn Đồng để về TP Thủ Đức.
Dù đã đi đường vòng, Ngọc vẫn không thể tránh khỏi cảnh kẹt xe ở một số đoạn đường. Thời gian từ công ty về nhà vốn dĩ chưa đến 30 phút, nay mất gần 1 tiếng.
"Dù đã mặc áo mưa nhưng giày, quần vẫn ướt như thường. Vừa dầm mưa, vừa kẹt xe là nỗi ám ảnh của tôi", Ngọc chia sẻ.
Ở lại công ty vì sợ cây đè, xe chết máy
Những ngày gần đây, khi TPHCM liên tục mưa lớn và ngập, Đỗ Thái (25 tuổi, ngụ tại TPHCM) quyết định nán lại văn phòng, chờ hết mưa mới về nhà. Thỉnh thoảng, mưa tạnh nhanh, Thái sẽ về đến nhà lúc 19h. Ngược lại, chàng trai phải chờ đến 20h bắt đầu từ cơ quan ra về.
"Công ty có trang bị cà phê, nước ngọt, đồ ăn nhẹ cho nhân viên nên tôi có thể ở lại trú mưa thoải mái. Dù sao về nhà cũng phải hoàn thành tiếp công việc còn tồn đọng nên tôi tranh thủ ở lại công ty làm luôn.
Tôi sẽ không còn chút sức lực nào nếu vừa chịu cảnh dầm mưa, vừa kẹt xe như vậy", Thái cho hay nhiều đồng nghiệp có nhà xa công ty cũng quyết định ở lại giống như anh.
Thái kể rằng đợt tan ca trước, chàng trai đã bị kẹt xe rất lâu trên đường D5 (quận Bình Thạnh). Suốt 2 tiếng, anh chỉ di chuyển được vài trăm mét.
Bụng đói lả, dòng xe không di chuyển suốt nhiều giờ, Thái đành gạc chân chống, xuống mua cơm lên xe ngồi ăn trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh. Phòng trọ của Thái ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cách đó chưa đầy 1km, nhưng phải mất gần 3 tiếng thì anh mới về đến.
P.N. (22 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), nhân viên văn phòng, cũng hạn chế về nhà lúc trời đang mưa. Bởi, khu trọ trên đường Tống Hữu Đinh của chị cứ mưa đến là lại ngập, khiến không ít phương tiện bị chết máy giữa đường.
Có lần, đường ngập sâu, mưa ồ ạt khiến chị N. ngã xuống đường, rồi sau đó tốn gần 1 triệu đồng tiền để sửa chiếc xe.
"Tiền công đi làm mỗi ngày chỉ đủ để sinh hoạt, nếu tốn thêm tiền sửa xe liên tục thì rất tốn kém. Vì thế, tôi quyết định nán lại công ty, theo dõi tình trạng ngập qua ứng dụng trên điện thoại, chờ khi nào đường trở lại như bình thường rồi mới ra về", N. bộc bạch.
Hơn nữa, từ các vụ cây ngã đè chết người trên địa bàn thành phố, N. cũng không còn can đảm lái xe về nhà khi trời có gió to.
"Thà ở công ty chờ một chút để an toàn cho tính mạng. Tôi sống một mình nên cũng không vướng bận chuyện gia đình. Thế nhưng, lắm lúc, tôi phải hủy hẹn với bạn bè, người thân vì không thể về nhà kịp do trời mưa to.
Điều này gây ảnh hưởng không ít đến các mối quan hệ xung quanh, cũng như thời gian biểu của bản thân. Tôi thường lên kế hoạch sẽ làm gì vào buổi tối để giải trí, xả căng thẳng sau một ngày làm việc. Nhưng những dự định ấy hầu như bị hủy bỏ vì thời tiết, kẹt xe", N. chia sẻ.