Nhân sự ngoại bất ngờ vì dân công sở Việt "cày việc điên cuồng"
(Dân trí) - "Đồng nghiệp của tôi làm việc luôn thứ 7, chủ nhật, cày ngày lẫn đêm. Họ thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để ngủ đôi chút lấy lại sức. Lúc đầu tôi bất ngờ nhưng giờ đã hiểu lí do", Ciaran nói.
Vấn nạn tin nhắn ngoài giờ làm việc
Gần đây, Ciaran (quốc tịch Ireland) quyết định tắt thông báo ứng dụng Zalo vì quá mệt với việc tin nhắn công việc có thể "nổ" bất cứ lúc nào. Hơn 2 năm làm giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ tại TPHCM, nhân sự ngoại này vẫn chưa thể làm quen với cách trao đổi công việc mọi lúc mọi nơi của người bản xứ.
"Họ có thể trao đổi, giao việc cho nhau mọi lúc, dù đã là giờ tan tầm. Ngoài nhóm chat chung của cả công ty, mỗi dự án, phòng ban, thậm chí là một nhóm đồng nghiệp thân thiết hoặc "khá" thân đều có nhóm chat riêng. Tôi đã phải tắt thông báo cho đỡ đau đầu và chỉ kiểm tra tin nhắn khi cần thiết", Ciaran nói.
Điều khiến chàng trai Ireland bất ngờ hơn chính là đồng nghiệp của anh có thể làm việc từ 8h30 đến 17h30, sau đó tiếp tục làm thêm từ 18h30 đến tối muộn. Ciaran bộc bạch, anh thán phục cao độ vì người Việt có đủ sức để làm việc cả ngày như thế.
Theo khảo sát thị trường nhân lực Việt Nam nửa đầu năm 2022 của Anphabe, 39% người tham gia khảo sát chọn làm công việc cố định nhưng vẫn sẵn sàng làm công việc tự do hoặc làm thêm công việc thứ 2 (ví dụ như bán hàng trực tuyến).
Con số này cũng phản ánh một xu hướng mới của người đi làm hậu covid-19, thích chọn những hình thức công việc có nhiều tự do, thoải mái hơn.
Trong khi đó, ở đất nước của anh, dân công sở chỉ làm đúng 8 giờ một ngày, từ thứ 2 đến thứ 6. Hiếm người lao động nào phải làm việc ngoài giờ hành chính hoặc phải trả lời tin nhắn sếp sau khi tan làm như ở Việt Nam.
"Mọi người chấp nhận làm việc thật chăm chỉ mà không than vãn câu nào. Điều này khác với người dân ở Ireland vì họ chỉ xem công việc là một phần cuộc sống. Ở đất nước của tôi, dân văn phòng thường sẽ tận hưởng trọn vẹn ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật", Ciaran chia sẻ.
Daniel (quốc tịch Ireland) thừa nhận, anh từng rơi vào cảnh lúng túng, bất ngờ khi văn phòng bỗng tắt hết đèn sau giờ ăn trưa và đồng nghiệp thì trải chiếu ra nằm ngủ ngay dưới bàn làm việc.
"Ở Ireland, chúng tôi thường có 30-60 phút để nghỉ trưa và 10 phút để ngồi uống trà, nhưng không có lúc nào chúng tôi đi ngủ. Thời gian đầu, tôi khá bất ngờ khi dân công sở Việt cứ ăn trưa xong là… ngủ.
Đến nay, tôi mới hiểu được lý do là vì các đồng nghiệp làm việc quá nhiều nên phải tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào có thể cho lại sức. Ngoài ra, thời tiết, giao thông cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến họ phải ngủ nhiều hơn", Daniel nói.
Sau một thời gian, thỉnh thoảng Daniel cũng thử ngủ trưa "ngắn hạn" trong khoảng 10 phút. Daniel chia sẻ, thực tế anh cảm thấy đầu óc thoải mái hơn vào ca làm buổi chiều.
Đồng nghiệp người Việt tốt tính, dễ gần
Ciaran cho biết trước khi đến Việt Nam, anh từng nghe nói rằng người Việt rất thân thiện và nồng nhiệt. Chàng trai đã không thất vọng khi tin vào lời giới thiệu ấy trong suốt 2 năm làm việc tại đất nước này.
"Tôi rất thích việc đồng nghiệp thường xuyên ăn trưa và đi chơi cùng nhau sau giờ làm. Đây có vẻ là văn hóa làm việc khác biệt nhất so với ở đất nước tôi. Ở Ireland, ngoài dịp Giáng sinh, đồng nghiệp thường ít có những chuyến vui chơi cùng nhau sau giờ làm việc", Ciaran chia sẻ.
Mặc dù gặp không ít khó khăn khi phải làm quen với giao thông, thời tiết và nhiều thứ mới lạ khác, Ciaran cảm thấy an ủi và hạnh phúc khi có được những đồng nghiệp luôn sẵn lòng giúp đỡ anh.
"Ở quê hương của tôi, thông thường mỗi người chỉ có 1-2 đồng nghiệp thân thiết để trò chuyện trong giờ làm. Nhưng ở Việt Nam, tôi từng chứng kiến một nhóm đồng nghiệp có đến 8 người thân thiết với nhau.
Họ luôn thoải mái trò chuyện, cười vui vẻ kể cả đang giờ làm việc", Ciaran nhận xét văn hóa làm việc đó khiến mỗi người tự ý thức hòa hợp với tập thể, không phải lúc nào cũng nghĩ cho bản thân.
Daniel cũng cảm kích trước sự nhiệt tình của đồng nghiệp. Tuy nhiên, anh nhận xét, dân công sở Việt không quá "thảo mai" như quê hương anh.
"Ở Ireland, các đồng nghiệp khi đi qua nhau thì sẽ nói xin chào hoặc hỏi thăm một câu xã giao nào đó. Ở Việt Nam, có lần tôi tự thấy ngượng chín mặt khi phát hiện mình đã hỏi "bạn khỏe không?" 5 lần/ngày với một người", nam giáo viên cười.