1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hướng dẫn viên, nhân sự "cứng" ngành du lịch chuyển nghề vì mưu sinh

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải nghỉ việc quá lâu và không nhận được sự hỗ trợ, nhiều nhân sự vững tay nghề trong ngành du lịch đã có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành nghề mới.

Trong hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 cứ xảy ra trước hoặc trong mùa cao điểm du lịch khiến toàn ngành bị thất thu nặng nề. Năm nay, lẽ ra đây là thời điểm ngành du lịch đang rất hút khách nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến cho các kế hoạch du lịch tạm thời bị gián đoạn. 

Những người lao động trong ngành du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên, vì không có việc làm đã phải vất vả xoay sở sang các công việc khác, với mong muốn có nguồn thu nhập tạm thời để duy trì cuộc sống.

Anh Đỗ Hồng Chí là một hướng dẫn viên du lịch làm việc theo hợp đồng và lĩnh lương theo thù lao. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đầu hè thường là lúc anh tất bật với các đoàn khách đi tour, thế nhưng hiện nay trở thành thất nghiệp.

Hướng dẫn viên, nhân sự cứng ngành du lịch chuyển nghề vì mưu sinh - 1

Hướng dẫn viên du lịch là một trong những lực lượng thiệt hại nặng nhất vì dịch Covid-19.

Không có khách, anh Chí gặp rất nhiều khó khăn và đang phải tìm kiếm những công việc khác để trang trải cuộc sống thường ngày, cũng như chờ đợi ngành du lịch phục hồi: "Tôi đã phải chạy xe hoặc tìm những công việc tại nhà hàng, quán cà phê để thay thế cho việc đi dẫn tour thường ngày. Tôi hy vọng rằng dịch Covid-19 sẽ nhanh hết, để tôi có thể tìm lại được với đam mê của mình. Hiện tại thì tôi cảm thấy rất khó khăn".

Là một người đã hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực du lịch, chị Nhữ Thị Ngần - lãnh đạo một công ty du lịch cho biết, doanh nghiệp này không tránh khỏi cú sốc do dịch Covid-19 gây ra. Trước đây, ngành du lịch mang lại nguồn thu nhập ổn định và việc làm cho rất nhiều người. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo chị Nhữ Thị Ngần, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch có nguy cơ sẽ bị mất trắng.

"Trước khi dịch diễn ra, công ty có khoảng 100 nhân sự khối văn phòng và 300 nhân sự là anh chị em hướng dẫn viên, chưa tính tới đội ngũ cộng tác viên. Khi dịch bắt đầu, du lịch cứ giảm dần rồi đóng băng hoàn toàn; đến khi dừng lại hết thì chi phí là quá lớn nên công ty phải cắt giảm lao động, thời điểm nhiều nhất là tới 80% nhân sự" - chị Ngần cho biết.

Mất việc trong thời gian dài xảy ra dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều lao động trong ngành du lịch trở nên khó khăn. Không có du khách, doanh nghiệp du lịch rơi vào trạng thái ngủ đông, khách sạn nhiều nơi cũng tạm ngừng nhận khách. Ngành dịch vụ đình trệ, mọi cánh cửa việc làm cho các hướng dẫn viên và nhân lực trong ngành dường như đều bị đóng kín.

Hướng dẫn viên, nhân sự cứng ngành du lịch chuyển nghề vì mưu sinh - 2

Nhiều khách sạn phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh vì dịch bệnh Covid-19.

Khó khăn chồng chất khó khăn, khi các hướng dẫn viên du lịch rất khó tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho người lao động bị mất việc làm vì dịch Covid-19.

Chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm nghề hướng dẫn viên du lịch được hơn 5 năm, anh Nguyễn Thanh Hải ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: "Nhiều anh chị hướng dẫn viên có làm hồ sơ nhưng không nhận được trợ cấp. Mất hoàn toàn thu nhập nên tôi phải kiếm rất nhiều công việc để làm. Hiện tại tôi đã chuyển sang làm đồ handmade và kinh doanh tự do".

Về vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ của doanh nghiệp và người lao động thuộc ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Huỳnh Công Hiếu - Phó Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm rõ được đặc thù của ngành du lịch, đó là ngoài những hướng dẫn viên cơ hữu thuộc về công ty, còn một số lượng lớn các hướng dẫn viên tự do. Nghề này nhiều khi nay làm cho công ty này nhưng mai lại đi tour cho công ty khác; nên khi kết thúc tour thì hợp đồng thời vụ hay hợp đồng thuê hướng dẫn viên cũng kết thúc. Các tour trong tương lai thì gần đến ngày tour mới có hợp đồng. Vì vậy, để một hướng dẫn viên tự do chứng minh là mất việc hoặc có hợp đồng lao động ngắn hạn hay dài hạn sẽ rất là khó".

Tính đến cuối năm 2019, nước ta có trên 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước.

Tuy nhiên, do lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi trả; nên theo thống kê chung, rất nhiều nhân sự vững tay nghề trong ngành du lịch đã có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành nghề mới.