Tiền Giang:
Hơn 3.200 lao động bị cắt giảm việc, đề nghị có chính sách hỗ trợ tiền mặt
(Dân trí) - Trước tình hình doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, người lao động bị ảnh hưởng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang đề nghị có chính sách hỗ trợ tiền mặt lao động mất việc làm.
Dự báo doanh nghiệp sản xuất không mấy khả quan
Báo cáo tình hình lao động, việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng về đơn hàng từ giữa tháng 6/2022 đến nay với các mức độ khác nhau.
Để duy trì lao động, việc làm, doanh nghiệp đã lựa chọn nhiều giải pháp như giảm số giờ làm trong ngày, bố trí cho người lao động nghỉ luân phiên các ngày trong tuần, giảm giờ tăng ca, tạm hoãn hợp đồng lao động, không tái ký hợp đồng...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang, đến cuối tháng 4, số doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng về đơn hàng dẫn đến giảm việc làm, lao động là 35 doanh nghiệp với số lao động đang làm việc khoảng 35.000 lao động.
Trong đó, 12 doanh nghiệp cắt giảm lao động với 3.236 người; 17 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động phải ngừng việc, nghỉ việc không lương và thực hiện tạm hoãn hợp đồng với 4.700 lao động; trên 15 doanh nghiệp phải giảm việc, giảm giờ làm với trên 19.300 lao động bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ không lương chủ yếu là các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy sản, điện tử,...
Đến tháng 4/2023, số lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp giảm khoảng 1.616 lao động và trong các cụm công nghiệp giảm khoảng 1.060 lao động so với thời điểm cuối năm 2022.
Đơn vị này dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp không mấy khả quan, vẫn khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.
Với đặc thù đa số là các doanh nghiệp của tỉnh hoạt động lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng như may mặc, giày da, chế biến nông thủy sản thâm dụng nhiều lao động, nguy cơ bị ảnh hưởng cao.
Do đó, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng còn lại, các doanh nghiệp có nhu cầu vẫn tiếp tục tuyển dụng, dự kiến đến cuối năm khoảng 7.000 lao động, trong đó tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, giày da, sản xuất thú nhồi bông, cơ khí, điện tử và các ngành thuộc nhóm dịch vụ.
Kiến nghị gói hỗ trợ tiền mặt
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cấp trung ương và tới địa phương (cùng một số ngành liên quan tại địa phương trong việc nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình cắt giảm lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, có thể hỗ trợ điều tiết lao động trong lĩnh vực đến những doanh nghiệp cần lao động; phối hợp rà soát nắm bắt kịp thời tình hình lao động mất việc làm, giảm việc làm để có can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm đơn hàng.
Sở này đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, nắm bắt tình hình lao động mất việc làm, đảm bảo sự thống nhất trong phương pháp thực hiện các địa phương, để có kết quả đảm bảo đầy đủ.