Hàng chục nghìn công nhân mất việc, ngành nghề nào đang là "tử địa"?
(Dân trí) - Bên cạnh hàng nghìn công nhân Pouyuen sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, nhiều lao động ở các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng đến việc làm.
Đơn hàng sụt giảm mạnh
Trong buổi làm việc giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất thành phố (trên 50.000 người) cho biết, do đơn hàng sụt giảm nên đơn vị này có kế hoạch chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 10% nhân công trong thời gian tới.
Đợt 1, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 4.519 người lao động vào cuối tháng 6. Đợt 2, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người lao động vào đầu tháng 7. Tổng cộng 2 đợt là 5.744 lao động.
Trước đó, tháng 2/2023, tình hình đơn hàng khó khăn, công ty đã phải cắt giảm 2.358 người lao động. Ngoài ra, từ tháng 11/2022, công ty này cũng phải cho gần 20.000 công nhân nghỉ việc luân phiên trong 2 ngày cuối tuần để đảm bảo ai cũng có việc làm.
Công ty đông công nhân nhất TPHCM này hoạt động trong lĩnh vực da giày. Với ngành này, không chỉ Pouyuen đã và sẽ còn cắt giảm, giãn việc với người lao động, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong cảnh tương tự do thiếu đơn hàng.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, tình trạng lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ buộc người dân phải cắt giảm tiêu dùng... Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Theo Sở này, hơn 100 doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao đồng đối với 32.400 người lao động; giảm giờ làm việc cho khoảng 35.000 người lao động; tạm hoãn hợp đồng lao đồng cho gần 1.500 lao động; trả lương ngừng việc cho 500 người lao động...
Qua đánh giá chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may giày da, phụ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho hay, trên địa bàn có hơn 7.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng 286.220 lao động. Điều đáng nói, số lao động giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo thống kê, trên địa bàn, đã có 27.506 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, trong đó số lao động mất việc làm là 18.230 người.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, có 3.786 lao động ở ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị ảnh hưởng tới việc làm.
Cố gắng đảm bảo quyền lợi cho lao động
Theo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước những khó khăn vì lý do kinh tế, nhiều doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; cắt giảm thời gian làm thêm giờ, thỏa thuận nghỉ phép năm, một số ít doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Các doanh nghiệp đều xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm và cam kết sẽ tuyển dụng những lao động này khi tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm và ký kết đơn hàng mới, giữ chân người lao động.
Nhìn chung, mặc dù các ngành bị ảnh hưởng nhưng mức độ khó khăn của từng doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường mà các doanh nghiệp gia công, xuất khẩu, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất...
Theo đánh giá, mặc dù đang gặp khó khăn nhưng cơ bản các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.
Những đơn vị này đã nỗ lực duy trì lực lượng lao động chờ khôi phục sản xuất, trong quá trình xây dựng các phương án sắp xếp, sử dụng lao động các doanh nghiệp có sự tham khảo ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh. Từ đó, các đơn vị này sẽ hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tối ưu nhất đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình người lao động mất việc làm.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5.