Công nhân mất việc khốn khó, cần rút ngắn thời gian được rút bảo hiểm
(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị rút điều kiện thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau khi mất việc, nghỉ việc từ 12 tháng xuống còn 3-6 tháng.
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm đến điều kiện hưởng BHXH một lần, người lao động cần được rút sớm hơn thời gian quy định hiện nay là 12 tháng sau khi nghỉ việc.
Theo đại biểu, người lao động mất việc, gặp nhiều khó khăn nên mới rút BHXH một lần. Cử tri đề nghị rút ngắn thời gian "thử thách" xuống còn 3-6 tháng. Bởi, người lao động nghỉ việc rất khó khăn, mà phải chờ 12 tháng sẽ không còn nguồn cầm cự, vì hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp không đủ trang trải các chi phí.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu còn đề nghị Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ công nhân mất việc, giảm việc như giúp tiền thuê nhà trọ.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, hiện nay "sức khỏe" của các doanh nghiệp chưa tốt và một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong triển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn.
Theo đại biểu Bảo Trân, các ngành như dệt may, gỗ có thế mạnh xuất khẩu nhưng đang vật lộn khó khăn. Ngoài thiếu đơn hàng, việc quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ khiến các doanh nghiệp bị động trong việc phân loại nguồn nguyên vật liệu.
Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn. Trong khi hàng trăm nghìn lao động mỗi tháng vẫn bị trừ lương nhưng không được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm.
"Số lượng lao động thất nghiệp tăng nhanh, có nhu cầu hưởng BHXH nhưng không được hưởng do chưa chốt được sổ BHXH", nữ đại biểu nêu.
Do đó, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng; chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Hiện cả nước có 17,1 triệu người tham gia BHXH, trong đó, 51,2% là lao động nữ.
Theo số liệu thống kê từ 2016-2022, số người hưởng BHXH một lần là 4,84 triệu người, trong đó có 1,24 triệu người sau khi rút BHXH quay trở lại hệ thống. Như vậy, còn 72,3% người hưởng BHXH một lần nhưng không thấy quay lại đóng.
Trong số những người rút BHXH một lần, có 55% là lao động nữ. Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đè lên vai người phụ nữ nặng hơn.
Nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách không dùng lao động nữ ngoài 30 tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH.