1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hội nhập AEC: Làm gì để giữ việc làm trên sân nhà?

(Dân trí) - Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi Cộng đồng kinh tế Asean thành lập (AEC) vào cuối năm 2015, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 14 % trong 4-5 năm tới. Trước cơ hội việc làm lớn này, liệu lao động Việt Nam có giữ được?

Lao động trẻ tìm việc tại Sàn GDVL Hà Nội
Lao động trẻ tìm việc tại Sàn GDVL Hà Nội. Ảnh: H.M

Đây là một trong những nội dung của cuộc tọa đàm do VTV vừa thực hiện trung tuần tháng 3. Cuộc tọa đàm có sự tham gia của ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Phùng Quang Huy - GĐ Văn phòng giới sử dụng lao động, thuộc Phòng TM và CN Việt Nam (VCCI), ông Tào Bằng Huy - Cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).

Lao động thuộc khu vực phi chính thức còn nhiều

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực có quan hệ lao động chỉ chiếm 34,6%. Trong khi đó, lao động trong khu vực phi chính thức lên tới 56%.

Chia sẻ những lo ngại với thực tế có tới 56% lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức, ông Phùng Quang Huy cảnh báo 2 nguy cơ hiện hữu và vấn đề năng lực của người lao động rất báo động.

“Nguy cơ thứ nhất là chúng ta sẽ tiếp tục phải làm gia công khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do phải sử dụng nhiều lao động trình độ thấp và lao động phổ thông. Hai là, các việc làm có giá trị tăng cao sẽ do người nước ngoài nắm giữ” - ông Phùng Quang Huy nói.

Lao động trẻ tìm việc tại Sàn GDVL Hà Nội
Việt Nam giành thứ hạng cao khi thi tay nghề Asean, nhưng mặt bằng tay nghề lao động chưa cao trong khu vực. Ảnh: H.M

Khi hội nhập AEC, lao động trong khu vực phí chính thức vẫn có việc làm nhưng không bền vững. Ông Bùi Sĩ Lợi cho rõ: “Trường hợp bà bán nước, ông lái xe ôm vẫn có việc làm. Nhưng có phải là việc làm bền vững hay không, việc làm có an toàn và có BHXH, BHYT không?”.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động cũng là trở ngại với doanh nghiệp.

Ông Phùng Quang Huy chia sẻ, nhiều chủ doanh nghiệp phàn nàn chất lượng lao động, việc tuân thủ kỷ luật lao động và tác phong làm việc của lao động trẻ cần được lưu ý và điều chỉnh. 

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Tào Bằng Huy cho rằng, số lao động thiếu hụt lớn ở DN là lao động kỹ thuật chứ không phải là lao động quản lý.

“Đây là một thách thức lớn. Nguy cơ lao động trong nước sẽ mất việc làm nếu không được tiếp cận với các chương trình đào tạo kỹ năng mới. Lao động cần cập nhật với chuẩn, kỹ năng nghề của các nước khu vực. Đồng thời, hệ thống giáo dục cần thay đổi các đào tạo, cấp bằng chứng chủ để hội nhập” - ông Phùng Quang Huy nói.



“những lao động thiếu hụt chủ yếu xuất phát từ các trường đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề và lao động phải có tay nghề thực tế” - ông Tào Bằng Huy nói.

Thậm chí, số lao động trong khu vực chính thức khi mất việc làm do trình độ thấp, khi chuyển vào khu vực phí chính thức cũng sẽ gặp khó khăn. “Bởi khu vực phi chính thức cũng chỉ có số việc làm nhất định”.

Tăng độ cởi mở thị trường lao động

Trong năm 2015, Việt Nam cần làm gì để giải quyết vấn đề việc làm? Theo ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, việc xây dựng các KCN- KCX, cơ sở sản xuất chính là một giải pháp để thu hút và tạo việc làm bền vững.

Tuy nhiên, thực tế nhiều KCN vẫn chưa thu hút được lao động phổ thông? Vị đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên nhân có thể do điều kiện hạ tầng phục vụ ăn ở, giáo dục cho con công nhân chưa đáp ứng được. “Dù lao động có nhận được lương cao hơn 1 chút, nhưng vẫn không đủ tiền cho con đi trẻ, tiền thuê nhà trọ, tiền điện nước”.

“Vì vậy, Nhà nước cần triển khai đồng bộ bên cạnh việc xây dựng các KCN cần lưu ý các yếu tố như nhà trẻ, trường học…Đó là giải pháp tổng thể xã hội, từ đó giải quyết việc làm cho người lao động” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.



Về vĩ mô, ông Phùng Quang Huy cho rằng, Chính phủ cần cải cách thể chế môi trường kinh doanh nói chung và thị trường lao động nói riêng, chủ sử dụng lao động dễ tuyển và lao động dễ tiếp cận việc làm.

“Luật Lao động và Công đoàn tới nay đã “cởi trói” cho doanh nghiệp nhiều. Nhưng độ thông thoáng chưa bằng luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư nước ngoài. Chúng tôi mong muốn luật Lao động và Việc làm sẽ tiếp tục có nhiều tháo gỡ về chính sách và chi tiết hơn trong các NĐ và thông tư. Qua đó năng suất lao động sẽ tăng lên” - ông Phùng Quang Huy nói.

Trước mắt, VCCI sẽ chủ động xây dựng báo cáo thị trường lao động để giúp việc này thành hiện thực và giảm thiểu thời gian tìm đến nhau giữa doanh nghiệp và lao động.

Lao động trẻ VN cần chú trọng kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp. Ảnh: H.M
Lao động trẻ VN cần chú trọng kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp. Ảnh: H.M

Tăng độ thông thoáng thị trường lao động, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh: “Cần chú trọng nhiều vào bài toán thị trường lao động. Giải quyết bài toán việc làm và năng suất chính là việc tạo cơ hội để người mua và người bán có cơ hội gặp nhau đúng địa chỉ, mục tiêu và nhanh nhất”.

Theo ông Tào Bằng Huy, việc quan trọng là tổ chức thực hiện thị trường lao động, cụ thể ở 2 điểm chốt ở đây là nâng cao chất lượng nguồn lao động và kết nối thông tin thị trường lao động.

“Thông qua các sàn giao dịch việc làm ở các địa phương, làm sao để đưa thông tin tới các vùng sâu vùng xa tới người lao động nhanh nhất và qua đó, để lao động hiểu được lợi ích của việc tìm tới các doanh nghiệp để tìm việc ổn định hơn là tự tạo ra những công việc ngắn hạn, bấp bênh” - ông Tào Bằng Huy kết luật.

Hoàng Mạnh