1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hiểm họa từ cơ sở chế biến suất ăn tập thể

Theo thống kê, 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận đầu năm 2016 đều xuất phát từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn.

Đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho trường mầm non Từ vụ Xin chào: Hiểu đúng về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm Trường học nên tổ chức nấu ăn cho học sinh Ngộ độc thực phẩm làm chết 20 người Công khai tên cơ sở không đảm bảo vệ sinh

“Hiện TP có hơn bốn triệu lao động sử dụng suất ăn với các hình thức khác nhau như bếp ăn tập thể (47,5%), nhận suất ăn sẵn, ăn tại cửa hàng dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Trong đó có khoảng 280.000 lao động tại các KCX-KCN sử dụng suất ăn sẵn hằng ngày”. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết như trên tại hội nghị về công tác đảm bảo ATTP KCX - KCN năm 2016 tổ chức ngày 12-5.

Ký cam kết về cất tủ

Theo ông Hòa, các cơ sở dịch vụ ăn uống được quản lý rất chặt chẽ. 100% bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn đều đã ký giấy cam kết đảm bảo ATVSTP, có giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh.

“Vậy nguyên nhân là vì sao? Bởi vì các cơ sở ký cam kết xong mang giấy về cất vào tủ. Khi thanh tra đến họ đi tìm không ra tờ giấy cam kết thì lấy gì mà nhớ nội dung. Còn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đạt được ở thời điểm này rồi thôi, không ai chịu cập nhật thêm kiến thức nữa” - ông Hòa nêu câu hỏi và trả lời.

Thực tế, 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận đầu năm 2016 đều xuất phát từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn. Trong khi đó, tỉ lệ nấu thức ăn sẵn cho công nhân là rất cao. Thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng, phương tiện vận chuyển không đảm bảo, quy trình sơ chế nhiều nguy cơ lây nhiễm là một trong những lý do làm tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các KCX-KCN đáng báo động.

Công nhân bị ngộ độc thực phẩm cấp cứu tại một bệnh viện ở Bình Dương cuối năm 2015. Ảnh: ANH KHÔI
Công nhân bị ngộ độc thực phẩm cấp cứu tại một bệnh viện ở Bình Dương cuối năm 2015. Ảnh: ANH KHÔI

“Đừng tham một bát bỏ một mâm”

Theo Sở Y tế TP.HCM, bên cạnh quy trình chế biến bảo quản thiếu an toàn, một nguyên nhân nữa khiến ngộ độc xảy ra xuất phát từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Gần đây nhất, ngày 11-4, 49 công nhân của một công ty dệt vốn Đài Loan tại quận 7 phải nhập viện cấp cứu ngay sau bữa trưa cũng do ngộ độc thức ăn.

Theo chị THT, một công nhân làm trong xí nghiệp may - da ở KCN Tân Bình, vừa rồi công ty mới tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất ăn nhưng chất lượng cũng không tăng bao nhiêu. Tình trạng cơm sống, thịt cá ôi thiu… không phải là hiếm.

Hiện nay, mức giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng, trong khi đó giá một suất ăn ở một số nơi còn khá thấp, phổ biến chỉ từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/suất. Đó là lý do khiến nhiều cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quyền cẩu thả với sức khỏe công nhân.

“Doanh nghiệp đừng nên tham một bát bỏ một mâm. Cần thấy rằng nếu công nhân có sức khỏe tốt, tái tạo được sức lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặt khác, nếu như để xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm như hiện nay, doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền đóng phạt lớn, trả tất cả chi phí điều tra, viện phí cho bệnh nhân... mà còn bị đưa tên công khai lên mạng dẫn đến mất uy tín” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa nói.

Theo phân tích của Chi cục ATVSTP TP, thời điểm xảy ra ngộ độc tập trung chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm do đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa nắng. Nguyên nhân gây ngộ độc do vi sinh vật chiếm 80% cho thấy quy trình chế biến chưa đạt chuẩn, người thực hiện công tác chế biến không đảm bảo được vệ sinh thực phẩm trước và sau chế biến cũng như khi phục vụ người ăn.

Do vậy, Chi cục yêu cầu ban quản lý các KCX-KCN phải thường xuyên cập nhật danh sách các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhắc nhở họ chấp hành quy định về ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất với các cơ sở cung cấp thức ăn.

Giới thiệu thực phẩm an toàn cho bếp ăn trường học

Ngày 12-5, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM giới thiệu thực phẩm an toàn với các trường mầm non có tổ chức nấu ăn tại chỗ để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm. “Sản phẩm an toàn đã được giám sát chặt từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, phân phối nên đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng sức khỏe các cháu lứa tuổi mầm non” - bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, cho biết.

Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, tình hình ngộ độc thực phẩm trong trường học thời gian gần đây cũng có xu hướng tăng. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2016, TP đã xảy ra ba vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, về lâu dài các trường cần tổ chức bếp ăn tại chỗ với nguồn cung cấp thực phẩm sạch, an toàn.

Hiện toàn TP.HCM có 1.620 trường có bếp ăn tại chỗ, hơn 880 trường có căn tin, gần 320 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Số vụ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chiếm 52% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm.

TRẦN NGỌC

Theo số liệu của Chi cục ATVSTP TP.HCM, trong năm năm gần đây ngộ độc thực phẩm đang tăng về quy mô, số vụ lẫn số người mắc. Chỉ riêng bốn tháng đầu năm 2016, TP đã có năm vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người bị ngộ độc, trong khi cả năm 2015 chỉ có sáu vụ với 268 người.


Theo Hà Phượng/Báo PL TP.HCM