Vụ đại gia Cần Thơ bị bắt: Lập tổ công tác giải quyết nợ lương công nhân

UBND TP Cần Thơ lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết một số vấn đề tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Mã nhằm đảm bảo tình hình ANTT, quyền lợi người lao động.

Liên quan đến vụ bắt đại gia thủy sản Phan Bá Tòng - giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ), vừa qua chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của các công nhân tại đây.

Tổ công tác do ông Võ Thanh Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất -công nghiệp TP Cần Thơ làm tổ trưởng. Tham gia tổ còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế, công an, công đoàn khu công nghiệp…

Theo đó, nhiệm vụ của tổ công tác nhằm nắm bắt tình hình tại công ty sau khi Giám đốc Phan Bá Tòng bị C46 Bộ Công an bắt giữ như tổng hợp nợ nần, tình hình lương bổng và chế độ của công nhân, quyền lợi người lao động về lương, BHYT, BHXH. Qua đó sẽ có báo cáo đề xuất lãnh đạo thành phố và sở ngành hữu quan cùng giải quyết nhằm tránh để xảy ra tình hình mất ANTT, lộn xộn tại công ty.

Công ty Thiên Mã (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ). Ảnh: CTV
Công ty Thiên Mã (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ). Ảnh: CTV

Việc lập tổ công tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động bình thường, không liên quan gì đến vụ án mà Bộ Công an đang điều tra. Đây không phải lần đầu tiên Cần Thơ lập tổ công tác để hỗ trợ, giải quyết tình hình DN khi lâm vào nợ nần, phá sản mà trước đây khi xảy ra vụ bể nợ của Công ty CP thủy sản Bình An, thành phố cũng đã từng lập tổ công tác.

Sáng 29/4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thanh Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP Cần Thơ, đồng thời là tổ trưởng tổ công tác cho biết: “Trước mắt tổ phối hợp với ngành chức năng để nắm bắt và ổn định tình hình ANTT, rà soát và giải quyết được 300 triệu đồng trong tổng số 1,6 tỉ đồng tiền DN nợ lương của 400 công nhân và đang tiếp tục giải quyết vấn đề nợ lương nhằm đảm bảo quyền lợi cho anh chị em công nhân. Bên cạnh đó, tổ cũng đang rà soát và làm việc với ngành điện, nước để đảm bảo không bị cắt điện nước do nợ tiền nhằm ổn định sản xuất gia công của công ty, đồng thời thống kê các khoản nợ nần của công ty” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, tạm thời vợ ông Tòng điều hành hoạt động công ty nhưng thời gian tới đang chờ ủy quyền chính thức để có người đại diện công ty đứng ra cùng phối hợp giải quyết tình hình của công ty. Riêng việc thống kê nợ nần của DN vẫn đang thực hiện và chưa có con số cụ thể và theo nguyên tắc tổ phải báo cáo và xin ý kiến trước khi công bố các con số về nợ nần.

Trong diễn biến liên quan đến vụ án của ông Tòng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) để luật sư này tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can Tòng ở giai đoạn điều tra. Hiện luật sư của ông Tòng đã đề nghị được tiếp xúc và tham gia lấy lời khai.

C46 Bộ Công an phối hợp Công an TP Cần Thơ thực hiện khám xét tại biệt thự của bị can Tòng. Ảnh: CTV
C46 Bộ Công an phối hợp Công an TP Cần Thơ thực hiện khám xét tại biệt thự của bị can Tòng. Ảnh: CTV

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 31-3, C46 Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Phan Bá Tòng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã, đồng thời tối cùng ngày thực hiện lệnh khám xét nhà riêng và trụ sở công ty để điều tra làm rõ sai phạm về kinh tế liên quan đến một số ngân hàng tại Cần Thơ. Bị khởi tố chung với ông Tòng còn có kế toán trưởng công ty.

Theo Gia Tuệ/Báo Pháp Luật TPHCM