Hành trình nhân viên ngân hàng "bẻ lái" thành tiếp viên hãng bay quốc tế
(Dân trí) - Muốn trải nghiệm việc đặt chân đến nhiều quốc gia khác nhau, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh quyết định từ bỏ công việc ngân hàng ổn định đã gắn bó 4 năm, chuyển sang làm tiếp viên hàng không.
Kì thi khắt khe
Thấm thoắt đã 9 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không tại một hãng bay quốc tế, chị Ngọc Anh có cơ hội đến hơn 100 quốc gia khác nhau. Đặc thù công việc đã hun đúc, hình thành trong chị tính nhẫn nại, tỉ mỉ, độc lập và cởi mở hơn.
Trước khi trở thành tiếp viên hàng không, chị đã có 4 năm gắn bó với công việc thanh toán viên quốc tế ở ngân hàng tại Việt Nam. Mức thu nhập khá, công việc ổn định, song chị nhận thấy sức hấp dẫn của nghề tiếp viên hàng không lớn hơn.
Chính vì vậy, chị không do dự khi quyết định chuyển nghề. Thời gian đó, chị tranh thủ tìm hiểu về nghề mới, quy trình ứng tuyển vào các hãng bay.
Thay vì làm việc trong nước, chị đã mạnh dạn lựa chọn thử sức ở một hãng bay quốc tế.
Công việc khởi đầu thuận lợi khi chị nhận được sự ủng hộ của gia đình. Ngày đặt chân đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham gia khóa đào tạo làm tiếp viên hàng không, chị mang theo tâm trạng hồi hộp, xen lẫn với sự phấn khích khi có những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Quá trình đào tạo, tuyển dụng của hãng bay vô cùng khắc nghiệt, sự cạnh tranh rất lớn. "Chúng tôi thường nói với nhau, 2 tháng đào tạo làm tiếp viên hàng không không khác gì học khối lượng kiến thức luyện thi đại học", chị Ngọc Anh nói.
Trượt trong lần thi đầu tiên, chị Ngọc Anh không nản lòng. Nửa năm sau nữ nhân viên ngân hàng tiếp tục hành trình bồi dưỡng, rèn luyện thêm để trải qua các vòng thi tuyển.
"Tôi nộp đơn lần thứ hai và thể hiện sự tiến bộ của bản thân trong kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp. Kết quả là tôi đã vượt qua đợt ứng tuyển này, chính thức gia nhập vào đội ngũ tiếp viên hàng không của hãng bay hàng đầu ở Dubai", chị Ngọc Anh nói.
Tại đây, nhân viên mới như chị cần trải qua khóa đào tạo kéo dài hơn 7 tuần về các tiêu chuẩn cao nhất trong ngành phục vụ khách hàng, an toàn và cung cấp dịch vụ tại cơ sở hiện đại của hãng ở Dubai.
Trong chuyến bay đầu tiên với vai trò là tiếp viên hàng không, chị không gặp quá nhiều áp lực. Theo quy định, tiếp viên mới sẽ quan sát tỉ mỉ những phần việc phải làm để đúc rút kinh nghiệm thực tiễn cho mình. Đó là chuyến bay cất cánh từ Dubai sang Ả Rập Xê Út.
Tiếp viên hàng không "đóng nhiều vai"
Chị Ngọc Anh chia sẻ: "Khi trở thành một tiếp viên, tôi học cách trở thành người độc lập, thích nghi và mạnh mẽ hơn.
Người ta thường khái quát, một tiếp viên hàng không có thể đồng thời phải đảm nhiệm vai trò của một bác sĩ, một đầu bếp, một người pha chế hoặc một lính cứu hỏa.
Nữ tiếp viên hàng không này đồng ý với câu nói ấy khi nhìn lại những tình huống phải xử lí trên các chuyến bay, sau khi cửa máy bay đóng lại và "con chim sắt khổng lồ" cất cánh với gần 500 hành khách trên khoang.
Ngọc Anh nhớ nhất tình huống phát sinh trên chuyến bay từ New York (Mỹ) về Dubai. Khi đó, tàu bay còn cách điểm hạ cánh khoảng 2 giờ bay thì có một hành khách cảm thấy sức khỏe không tốt, khó thở, tim đập nhanh.
Chị Ngọc Anh đã mau chóng tiếp cận, hỗ trợ hành khách và thông báo với tiếp viên trưởng, phi công về trường hợp này. Lúc đó, phi công đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất để hỗ trợ hành khách.
Trên những chuyến bay dài, có những hành khách tâm trạng không tốt. Chị Ngọc Anh đã kiên nhẫn nói chuyện, lắng nghe và thuyết phục họ tiếp tục sử dụng dịch vụ, Sau những nỗ lực đó, hành khác đã cảm thấy hài lòng hơn.
Chính sự cảm kích của khách đã giúp chị có thêm những động lực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
"Trong mỗi chuyến bay, tôi rất thích được gặp các hành khách người Việt Nam. Nhiều khách tỏ ra bất ngờ khi gặp một tiếp viên hàng không người Việt làm việc cho hãng bay Ả Rập và cởi mở giới thiệu cho tôi những điểm đến, những món ăn độc đáo để thử sau khi hạ cánh", chị Ngọc Anh cho hay.
Đến nay, chị đã đặt chân tới hơn 100 quốc gia, những điểm đến nổi tiếng khắp các châu lục.
Đến bất cứ đâu, chị Ngọc Anh giữ thói quen lưu giữ kỉ niệm bằng cách sưu tầm đồ gắn ở điện thoại, một vài món cốc, thìa của các quốc gia… Tủ đồ lưu niệm ở nhà của chị đã đầy ắp, lưu giữ nơi chị đã đi qua.
Chị Ngọc Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp bản thân luôn vững vàng trước những khó khăn và thách thức của nghề tiếp viên hàng không.
"Mỗi người có một nguyên tắc riêng. Đối với bản thân tôi, tôi không cầm hộ đồ đạc cho bất kì ai, kể cả người quen. Tôi chủ động nói "xin lỗi, tôi không thể cầm hộ được", Ngọc Anh kể cũng luôn tự chuẩn bị hành lý của bản thân cho mọi chuyến bay.
Với kinh nghiệm 9 năm trong nghề, chị cho rằng, sự tỉnh táo rất cần thiết với nghề này. Mỗi tiếp viên cần luôn đảm bảo chặt chẽ các quy định của hãng và biết tự bảo vệ chính mình.
Đã từ lâu Ngọc Anh không còn đếm số giờ bay nữa. 9 năm qua, niềm yêu thích với công việc vẫn luôn tươi mới với chị. Mỗi ngày, chị vẫn đang cố gắng để thực hiện những dự định ấp ủ của mình.