Lương không cao, cạnh tranh khốc liệt, vì sao tiếp viên hàng không vẫn hot?

Tô Sa

(Dân trí) - Tiếp viên hàng không bóc trần nhiều "mặt tối" trong nghề, không như mọi người vẫn tưởng tượng về một công việc "hào nhoáng".

Cạnh tranh khốc liệt

Annette Long, một tiếp viên hàng không 13 năm kinh nghiệm, thẳng thắn chia sẻ trên Business Insider rằng, "tiếp viên hàng không là một công việc không hề hào nhoáng".

"Ngay cả khi bạn đang làm việc ở khoang hạng nhất hay thương gia, thì cũng chẳng hào nhoáng chút nào", Annette nói, cho biết thêm nghề tiếp viên không dành cho tất cả, nhiều người chỉ nhận ra công việc đòi hỏi những gì cho đến khi họ bắt tay vào làm việc.

Ally Case, nữ tiếp viên trẻ có một năm kinh nghiệm làm cho hãng American Airlines, trả lời những câu hỏi mà mọi người luôn luôn thắc mắc về công việc của cô.

Trên The Fox News, Case cho biết, thông tin được nhiều người quan tâm nhất là tiền lương. Nữ tiếp viên cho hay, cô chỉ được trả tiền từ lúc cửa lên máy bay đóng lại.

"Một khi cánh cửa đóng lại, đồng hồ sẽ bắt đầu điểm. Khi cửa mở, thời gian tính tiền kết thúc. Các tiếp viên không được trả tiền trong suốt thời gian chuẩn bị lên và xuống máy bay", Case nói. Với cách tính này, thu nhập của cô không quá cao so với nhiều người từng nghĩ. 

Đây cũng là tiết lộ khiến nhiều người theo dõi trang cá nhân của cô bất ngờ và để lại nhiều bình luận nhất. 

Một báo cáo năm 2019 của Bussiness Insider cho thấy câu trả lời của Case là sự thật. Các tiếp viên hàng không khác xác nhận rằng họ chỉ được trả tiền cho thời gian ở trên trời. Quá trình chuẩn bị đón hành khách lên hay xuống máy bay, vệ sinh cabin sau khi hạ cánh... đều không được trả lương.

Lương không cao, cạnh tranh khốc liệt, vì sao tiếp viên hàng không vẫn hot? - 1

Tiếp viên hàng không vẫn luôn là công việc nhiều người ao ước (Ảnh minh họa).

Kat Kamalani, 30 tuổi, là tiếp viên hàng không sống tại TP Salt Lake (Mỹ) với 5 năm kinh nghiệm. Cô nói với Insider rằng, để có được cuộc sống mà mọi người vẫn luôn tưởng tượng - là sự hào nhoáng, điều này có thể mất 20 - 30 năm.

"Mọi người nghĩ rằng tiếp viên hàng không được trả tiền để du lịch miễn phí, đến các điểm hấp dẫn như Hawaii hoặc Paris. Nhưng trên thực tế, khi mới bắt đầu công việc này, chúng tôi phải làm quen với các chuyến bay mắt đỏ (red-eyes flights), làm việc vào ngày nghỉ, bay nhiều chặng ngắn mỗi ngày, làm việc hơn 15 giờ", Kamalani cho hay.

Bên cạnh danh tiếng "hào nhoáng", Kamalani thừa nhận công việc này khá cô đơn. "Bạn đang bay đến những nơi tuyệt vời, ngắm nhìn mọi thứ, nhưng bên cạnh bạn không có ai", cô nói.

Dù công việc có vẻ ngoài hấp dẫn, nhưng để trở thành một tiếp viên hàng không, nhiều người cho hay, "để trúng tuyển vào trung tâm đào tạo tiếp viên, còn khó hơn đậu Đại học Harvard". 

Sự cạnh tranh giữa các ứng viên luôn khốc liệt đến mức đối với một số hãng hàng không, các ứng viên phải cạnh tranh với hàng nghìn người khác.

Theo dữ liệu mà một hãng bay công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Trong khi đó, số người trúng tuyển Harvard khóa 2021 là 5,2% trong tổng số hơn 39.500 thí sinh.

Sau khi vào trung tâm, các tiếp viên phải tham gia một khóa đào tạo 8 tuần, học 6 ngày một tuần, 15 giờ mỗi ngày trước khi đạt điều kiện lên máy bay phục vụ khách.

Và tất nhiên, muốn vào học lớp này, tiếp viên phải vượt qua nhiều bài kiểm tra và phỏng vấn trước đó. Điều kiện để thi đỗ các bài kiểm tra là bạn phải trả lời đúng ít nhất 90% câu hỏi.

Lương không cao, cạnh tranh khốc liệt, vì sao tiếp viên hàng không vẫn hot? - 2

Nhiều tiếp viên hàng không thừa nhận để trúng tuyển vào trung tâm đào tạo còn khó hơn đậu Đại học Harvard (Ảnh minh họa).

Tại sao nghề này vẫn hấp dẫn?

Dù công việc không hào nhoáng, nhiều khó khăn, nhưng nhiều tiếp viên hàng không tiết lộ sở dĩ chọn gắn bó vì được hưởng đặc quyền bay miễn phí.

Họ du lịch miễn phí, đặt chân những vùng đất hấp dẫn khắp các châu lục. Đôi khi, họ nhận được vé miễn phí, hoặc giảm giá đến từ các hãng hàng không đối tác, dành cho bản thân hoặc người thân.

Lương không cao, cạnh tranh khốc liệt, vì sao tiếp viên hàng không vẫn hot? - 3

Nhiều người khát khao trở thành tiếp viên hàng không để được du lịch khắp nơi (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng thu hút nhân sự. Một tiếp viên chia sẻ trên Insider, cô yêu thích bộ đồng phục của mình, từ chiếc váy cơ bản, khăn quàng, đến đôi giày cao gót, hành lý xách tay.

"Thật quyến rũ khi phi hành đoàn đi bộ qua sân bay khiến bạn trông như một ngôi sao. Tôi đã từng được một người dân xin chụp ảnh và được tặng những món quà nhỏ như thiệp cảm ơn, bánh ngọt", nữ tiếp viên chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm