Mặt tối phía sau vẻ hào nhoáng của tiếp viên hàng không ít người thừa nhận

Huy Hoàng

(Dân trí) - Đằng sau vẻ lịch thiệp, hào nhoáng của mỗi tiếp viên hàng không đều tồn tại những mảng tối thậm chí cả cạm bẫy không phải ai cũng hiểu được.

Với các tiếp viên hàng không, công việc còn là niềm vui khi được tận dụng tối đa cơ hội chu du khắp thế giới, tận hưởng những ưu đãi riêng, gặp gỡ nhiều người thú vị từ khắp nơi.

Song nghề tiếp viên không phải là con đường trải thảm đỏ. Những người trong ngành đối diện với nhiều tiêu cực, bao gồm cả nạn quấy rối tình dục. Đó là những góc khuất không phải ai cũng muốn tiết lộ.

Trở thành "công cụ" vận chuyển "hàng cấm"

Tháng 1/2019, 2 nữ tiếp viên làm việc trong hãng hàng không Malindo Air của Malaysia nằm trong nhóm bị cảnh sát bắt giữ vì thuộc đường dây vận chuyển ma túy vào Australia.

Các nhà chức trách cho biết, họ đã biết về tổ chức tội phạm có trụ sở ở Melbourne (Australia) từ nhiều năm, nhưng phải tới đầu năm 2019 mới phát hiện ra việc bọn chúng sử dụng đội ngũ phi hành đoàn để buôn lậu ma túy trên gần 20 chuyến bay.

Một trong các tiếp viên là Zailee Hana Zainal, 40 tuổi, đã "giấu hàng nóng" trong nội y để tránh bị phát hiện. Theo lời khai của nữ tiếp viên này, cô phải luyện suốt 3 tháng mới có thể bước đi tự nhiên với gói heroin bị kẹp giữa hai đùi. Zailee đã thực hiện trót lọt 20 lần vận chuyển hàng cấm, đóng vai trò quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi biết nghịch cảnh phía sau đẩy nữ tiếp viên sa chân vào con đường tội ác, tòa tuyên án nữ tiếp viên 9 năm tù.

Nghề nghiệp đặc thù tạo ra những áp lực riêng

Với những chuyến bay di chuyển liên tục ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe các tiếp viên. Kèm theo đó là chứng rối loạn giấc ngủ, lạm dụng chất gây nghiện. Những yếu tố này khi kết hợp với nhau khiến nhiều thành viên phi hành đoàn đôi khi dùng thuốc hay rượu để chống lại chứng mất ngủ.

Adrianna, một nữ tiếp viên của hãng hàng không lớn tại Mỹ với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, bộc bạch: "Rất nhiều người trong chúng tôi phải chịu đựng nỗi lo lắng, bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp với nhiều người cả ngày nhưng không được phép bộc lộ cảm xúc thật. Tôi từng chửi thề trong giấc ngủ".

Mặt tối phía sau vẻ hào nhoáng của tiếp viên hàng không ít người thừa nhận - 1
Các tiếp viên chịu nhiều áp lực trên mỗi chuyến bay (Ảnh: News).

Đôi khi, tình trạng tiếp viên lạm dụng rượu lại được truyền thông nhắc tới trong những sự vụ gây chú ý.

Năm 2019, một tiếp viên có biểu hiện say xỉn trên chuyến bay của hãng hàng không United (Mỹ) từ Chicago tới South Bend, Indiana. Cũng trong cùng năm, tiếp viên khách của hãng hàng không Qantas phải nghỉ việc sau khi bị phát hiện uống rượu vodka trên chuyến bay đi từ Johannesburg tới Sydney.

Những điều trên có vẻ bất thường, nhưng gốc rễ của vụ việc lại không khó hiểu. "Tôi từng mất nhiều đồng nghiệp. Một trong số đó bị chìm đắm vào rượu chè và không thể dứt ra được", nữ tiếp viên Adrianna tâm sự.

Slater, người từng làm việc cho hãng hàng không TWA trước khi chuyển sang JetBlue, thừa nhận, có rất nhiều lý do khiến tiếp viên hàng không tìm tới bia rượu.

"Khi bạn xa nhà, bỏ lỡ kỳ nghỉ bên gia đình, chắc hẳn sẽ thấy cô đơn", Slater nói.

Bên cạnh đó, một số tiếp viên dùng thuốc có khả năng gây nghiện cao vốn là loại được bác sĩ kê đơn để trị chứng lo lắng hay trầm cảm. Chúng có thể gồm cả thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau.

Trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục

Theo Huffington Post, nhiều tiếp viên thừa nhận, họ bị xâm phạm thân thể hoặc quấy rối tình dục bằng lời nói khi làm việc. 

Lanelle Henderson, một cựu tiếp viên hàng không Mỹ, không thể quên cảm giác bị hành khách nam tiếp cận trên chuyến bay khi cô mới vào nghề. Dù cảm thấy xấu hổ nhưng Lanelle vẫn phải tỏ ra lịch sự để từ chối vị khách.

Trong khi đó, theo Dawn Arthur, cựu tiếp viên Mỹ với 8 năm kinh nghiệm, các tiếp viên khó lòng "cầu cứu" đồng nghiệp trên máy bay, bởi các phi công không được đào tạo để xử lý trường hợp hành khách quấy rối phi hành đoàn.