TPHCM:

Các ngành "tỷ đô" lao đao và bản cam kết không cắt giảm nhân sự

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hầu hết các ngành thâm dụng lao động như dệt may, chế biến gỗ, xây dựng… đều gặp khó khăn về đơn hàng. Các doanh nghiệp buộc lòng phải giảm giờ làm để giữ chân người lao động.

Mức sụt giảm của những ngành "tỷ đô"

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM vừa có báo cáo về tình hình doanh nghiệp tháng 3 và quý 3/2023. Trong báo cáo, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội cho biết, tin vui là Trung Quốc đã mở cửa thị trường hàng hóa và du lịch đã có tác động tích cực, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu tích cực.

Dưới tác động trên, các doanh nghiệp thuộc một số ngành đã có sự phát triển, số lượng doanh nghiệp trở lại kinh doanh gia tăng. Tỉ lệ thu nộp ngân sách vượt kế hoạch đã phần nào phản ánh bức tranh sáng sủa của nền kinh tế đất nước, dù tình hình còn nhiều khó khăn.

Ở ngành chế biến lương thực - thực phẩm có sự tăng trưởng các sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung toàn ngành lại sụt giảm, khả năng quý I/2023 giảm khoảng 2% doanh số.

Nguyên nhân là do sụt giảm tiêu thụ xuất khẩu toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng xuất khẩu giảm, tiêu thụ nội địa giảm sâu do sức mua yếu. Dự báo trong quý II/2023, mức giảm khoảng 4%.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cũng giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với các doanh nghiệp ngành dệt may.

Ngành cơ khí điện cũng có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm từ 30-40%.

Kim ngạch xuất khẩu ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%.

Thị trường nội địa cũng không khả quan khi các sản phẩm nội thất trong nhiều dự án bất động sản đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền, hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.

Các ngành tỷ đô lao đao và bản cam kết không cắt giảm nhân sự - 1

Ngành xây dựng cũng đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).

Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động…

Từ đó, các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, sắt tăng giá, các hợp đồng xây dựng đã ký tiếp tục lỗ vốn.

Các ngành khác như du lịch, xây dựng công nghiệp, vật liệu xây dựng… cũng chung tình cảnh khó khăn về vốn, nhu cầu thị trường giảm…

Đặc biệt là ở ngành vật liệu xây dựng, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, "hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi".

65% doanh nghiệp cam kết không cắt giảm lao động

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, trong quý 1/2023, với sự hỗ trợ của chính sách nhà nước cùng nỗ lực của doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã chủ động thay đổi để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Nỗ lực chính của doanh nghiệp là tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì hoạt động sản xuất, tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu…

Đến nay có gần 53% doanh nghiệp TPHCM cho biết đã ổn định được hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 41% doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh đang tiếp tục giảm sút.

Dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã vận dụng nhiều "giải pháp mềm" để giữ chân người lao động khi nhà máy hết việc như bố trí công nhân dọn dẹp nhà xưởng, bảo trì máy móc; giảm giờ làm trong tuần bằng cách bố trí cho công nhân nghỉ phép năm, cho nghỉ luân phiên vào thứ 6 và thứ 7…

Các ngành tỷ đô lao đao và bản cam kết không cắt giảm nhân sự - 2

Dù đang rất khó khăn, 65% doanh nghiệp tại TPHCM cam kết sẽ không cắt giảm lao động (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại là cách mà nhiều doanh nghiệp hiện đang áp dụng trong bối cảnh thiếu đơn hàng ở nhiều ngành.

Với ngành dệt may, đặc thù là lượng nhân công lớn nên nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm để duy trì công việc cho tất cả mọi người. Có công việc cho công nhân đến xưởng mới có thể giữ chân người lao động.

Giải pháp này đã được công ty TNHH PouYuen Việt Nam thực hiện từ cuối năm 2022 cho đến nay để giữ chân người lao động. Chỉ khi chẳng đặng đừng, không còn cách nào khác thì doanh nghiệp mới phải cắt giảm 2.358 người trong tháng 3 vừa qua.

Đại diện công đoàn một doanh nghiệp dệt may có hơn 1.000 lao động cho biết: "Giảm giờ làm thì công nhân bị giảm thu nhập. Nhưng giảm giờ làm của mỗi người, bớt việc của người này sang cho người khác thì tất cả mọi người mới có việc để làm, ít ra cũng có lương cơ bản".

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hiện có gần 65% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên số lao động hiện có, không cắt giảm. Tuy nhiên, vẫn có gần 18% doanh nghiệp cho biết có thể cắt giảm lao động trong thời gian tới. Điểm sáng là cũng có nhiều doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng thêm nên không lo lắng nhiều về tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2023 của Cục Thống kê TPHCM, trong quý 1/2023, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 27.317 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 27.153 người lao động đủ điều kiện.

So với quý 1/2022, số trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của quý 1/2023 giảm hơn 6.000 trường hợp. Số người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp của quý 1/2023 cũng ít hơn quý 1/2022 5.000 người.