Hà Nội: Sẵn sàng hỗ trợ người bàn hàng rong tìm việc sau chiến dịch vỉa hè
Ông Nguyễn Toàn Phong – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội – khẳng định, người bán hàng rong nếu muốn chuyển đổi việc làm sẽ được đáp ứng nhu cầu.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện quyết liệt chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, triển khai giải quyết vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động bán hàng rong sẽ bị xử phạt buộc người bán hàng rong phải tìm địa điểm buôn bán đúng quy định hoặc chuyển đổi sang công việc khác. Dù vậy, việc chuyển đổi việc làm là không hề dễ dàng đối với đối tượng này khi nhiều người đã bán hàng rong hàng chục năm và rất khó để tìm được công việc phù hợp.
Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Phong – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - để tìm hiểu về cơ hội việc làm cho những người bán hàng rong cũng như kế hoạch hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với đối tượng này.
Thưa ông, cùng với việc triển khai chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, thành phố Hà Nội đã có chủ trương như thế nào về vấn đề chuyển đổi việc làm cho người bán hàng rong?
- Trong thời gian gần đây, các đô thị, đặc biệt là Hà Nội triển khai chiến dịch vỉa hè, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh đô thị. Chúng tôi rất quan tâm theo dõi việc triển khai chiến dịch này.
Trong quá trình thành phố Hà Nội triển khai, cũng đã có những vấn đề liên quan tới việc làm. Chúng tôi được thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh xã hội trong việc cung cầu và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, như cầu việc làm, học nghề của người lao động cùng các tổ chức liên quan. Vì vậy, chúng tôi cũng rất quan tâm tới đối tượng ở khu vực việc làm phi trí thức – một khu vực rất năng động và nhạy cảm.
Người bán hàng rong đã quen một tác phong bán hàng rong trên vỉa hè, nay đây mai đó. Sau khi được sắp xếp lại, chúng ta sẽ phải lo việc làm cho những đối tượng này. Cùng với thành phố, Sở LĐ-TB&XH đã có những chỉ đạo ban đầu. Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cần phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và nắm bắt người lao động.
Nếu người lao động ở lĩnh vực hàng rong đến tìm việc chúng tôi sẽ hỗ trợ cho họ. Chúng tôi rất sẵn sàng cho việc này nhưng cần một kế hoạch dài hơi, xuyến suốt từ thành phố xuống cơ sở. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ triển khai hoạt động nghiệp vụ, gắn với các phòng LĐ-TB&XH ở các quận, huyện. Chúng ta cũng cần khảo sát, điều tra tổng thể để đưa ra những giải pháp phù hợp, đảm bảo hiệu quả.
Theo ông, người bán hàng rong gặp những khó khăn gì khi chuyển đổi sang một công việc khác?
- Khó khăn thứ nhất là tuổi tác. Đa phần những lao động này có độ tuổi trên 35. Ngay cả tìm việc làm người lao động ở khu vực trí thức độ tuổi này cũng không dễ dàng gì. Riêng lao động trên 35 tuổi thì nhiều doanh nghiệp cũng có nhu cầu nhưng phổ thông nhất vẫn là từ 18-35. Nếu ngoài 35 tuổi thì doanh nghiệp yêu cầu phải có chuyên môn cao thì mới tuyển dụng trong khi những người bán hàng rong thường không có chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng chủ yếu là mua bán, lưu thông, không gắn với nhà sản xuất.
Họ cũng phải thay đổi được nhận thức khi chuyển đổi công việc. Họ đang kinh doanh tự do chuyển sang hình thức trong khuôn khổ thì đương nhiên họ phải thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ, cũng là vấn đề không hề đơn giản. Họ cần hiểu rằng làm việc ở khu vực phi trí thức không đem lại sự ổn định về thu nhập và các chế độ lâu dài, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, nếu họ chuyển đổi công việc thì sẽ phải trải qua đào tạo, học nghề để tham gia thị trường lao động trí thức. Sau khi nhận việc làm thì họ cũng cần phải hỗ trợ 2, 3 tháng để làm quen thì quá trình chuyển đổi mới hoàn tất.
Theo ông, những ngành nghề nào mà người bán hàng rong có thể chuyển đổi thuận lợi?
- Hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có nhiều thông tin tuyển dụng của công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh, trông coi các tòa nhà… Tôi đảm bảo những công ty này sẽ nhận đối tượng lao động bán hàng rong. Họ cũng có thể học nghề nấu ăn qua các khóa đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Đây là nghề không phụ thuộc vào độ tuổi và ngay trong quá trình đào tạo đã có người tuyển dụng.
Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng tiếp nhận những người lao động, trao đổi với các phòng LĐ-TB&XH để nắm bắt, thông tin lại cho Trung tâm. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, đặc biệt là các giao dịch việc làm ở các điểm vệ tinh hoặc các phiên giao dịch việc làm lưu động, chúng tôi cũng lựa chọn các đơn vị tuyển dụng lao động phổ thông để tiếp nhận đối tượng lao động này.
- Dù thị trường lao động có rất nhiều công việc dành cho những người bán hàng rong muốn chuyển đổi nhưng dường như nhiều người vẫn chưa tiếp cận được thông tin việc làm. Ông có thể đưa ra các giải pháp nào để giúp việc tuyên truyền hiệu quả hơn? Người muốn chuyển đổi công việc cần thực hiện những thủ tục nào?
- Công tác thông tin truyền thông cần phải thực hiện bài bản, phải kiểm soát các thông tin tuyển truyền đến các xã phường, thị trấn, khu dân cư. Công tác này cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành bởi triển khai thông tin cần có kinh phí. Trung tâm hy vọng rằng các kênh truyền thông trong thời gian tới để người lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm đến với Trung tâm để được hỗ trợ.
Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm với những đối tượng này nhằm thay đổi nhận thức của họ. Những người bán hàng rong sẽ tập trung tại đây và chúng ta chia sẻ cho họ thì việc tuyên truyền sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Người lao động có thể đến các điểm giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn quận huyện hoặc trụ sở của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội vào các ngày từ Thứ 2 đến Thứ 6, đặc biệt là các phiên giao dịch vào Thứ 3, Thứ 5 hàng tuần. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận đối tượng lao động này, tư vấn, hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động. Nếu họ có nhu cầu học nghề, đảm bảo kinh phí thì chúng tôi sẽ hỗ trợ họ học nghề. Nếu họ cần việc làm ngay, chúng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về địa bàn, thu nhập.
Chúng tôi hiện đang quản lý cơ sở dữ liệu người lao động theo độ tuổi nên người lao động sẽ được theo dõi trong quá trình tìm kiếm. Từ đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ tốt hơn.
Địa chỉ tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động cho người có nhu cầu chuyển đổi việc làm:
TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 215 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: (043).7.822806
Trụ sở 2: Ngõ 33, Tạ Quang Bửu, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại:(043).8.691401
Sàn giao dịch việc làm số 144 Trần Phú, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội
Điện thoại: (04) 33820450
- Email: ttgtvlhn_soldtbxh@hanoi.gov.vn
- Website: http:///www.vieclamhanoi.net
Theo VTV.VN