Hà Nội: Lái xe taxi điêu đứng vì Covid-19
(Dân trí) - Vận tải là một trong số các nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19. Trong đó, lái xe taxi cũng không ngoại lệ. Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại đã khiến nhiều lái xe lo lắng.
Thu nhập giảm sút
Tình hình dịch bệnh Covid-19 từ sau Tết âm lịch diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi ra đường, nhiều người ái ngại sử dụng phương tiện công cộng khiến nhiều lái xe taxi rơi vào cảnh khó khăn.
Anh Vũ Tiến Dũng, trú tại phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm nghề lái xe cho một hãng taxi tại Hà Nội gần chục năm qua. Với anh Dũng, chưa thời điểm nào lại khó khăn như năm nay.
“Trước Tết chưa có dịch. Nếu chịu khó chạy, thu nhập của tôi trừ chi phí mỗi tháng cũng được 15 -17 triệu đồng. Từ khi có dịch Covid-19, thu nhập của tôi giảm quá nửa” - anh Dũng cho biết.
Theo anh Dũng, dịch Covid-19 khiến công viêc của lái xe taxi rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều lái xe phải bán xe hoặc rút xe ra khỏi công ty. Do không có khách và số tiền chi phí mỗi tháng phải đóng lên đến gần 4 triệu đồng.
Cùng cảnh với anh Dũng, anh Lương Văn Hải quê ở Thanh Hóa ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với một hãng taxi lớn tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng “ế khách”.
Anh Hải tâm sự: “Tháng vừa rồi tưởng chừng hết dịch, khách đi taxi đang dần tăng trở lại. Nhưng mấy ngày hôm nay, khi Hà Nội công bố lại xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, tôi thấy vắng khách hẳn”.
Anh Hải cho hay, từ khi có dịch thu nhập giảm 60 -70 %. Sống ở thành phố có vật giá đắt đỏ như Hà Nội mà thu nhập của anh từ Tết đến nay chỉ từ 5- 7 triệu đồng/tháng. Trong tháng cách ly xã hội, gia đình anh không có thu nhập.
Để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống vừa rồi anh Hải đưa vợ và con nhỏ về quê Thanh Hóa để giảm chi phí.
“Vợ mình sinh con vào đúng đợt dịch nên cũng không đi làm được, thu nhập duy nhất của gia đình từ chiếc taxi. Kinh tế khó khăn nên tạm chấp nhận xa gia đình để bám trụ lại ngoài này qua đợt dịch” - anh Hải cho hay.
Bán xe - việc chẳng đành
Nhiều tài xế taxi mua xe trả góp nay doanh thu giảm mạnh thế nhưng vẫn phải đảm bảo trả lãi, gốc buộc họ phải đi đến quyết định bán xe để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu.
Nằm trong tình trạng phải bán xe, anh Đỗ Văn Phú, trú tại Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Tôi mới mua xe theo hình thức trả góp để chạy taxi thì gặp đúng đợt dịch, bây giờ mỗi tháng tiền lãi, tiền góp gần chục triệu đồng, sắp tới tôi chưa biết xoay sở thế nào”.
Cũng theo anh Phú, lượng khách giảm quá 50% nhưng anh vẫn phải gồng mình lên chi trả các loại chi phí. Ngoài tiền lãi hàng tháng anh Phú còn phải đóng tiền đàm, phí dịch vụ quản lý, bảo hiểm, quỹ công đoàn,… thời điểm này đã trở thành gánh nặng quá sức với anh.
“Đi làm thì không có khách, ở nhà thì sốt ruột vì cứ đến tháng ngân hàng lại gọi đóng lãi. Nếu cứ tiếp tục khó khăn như này trong vài tháng nữa tôi e rằng phải bán xe, chuyển nghề khác” – anh Phú tâm sự.
Không chỉ những trường hợp cụ thể nói trên, dạo qua một số diễn đàn mạng, vào các nhóm hội lái xe taxi thông tin các tài xế rao bán xe vì khó khăn đợt dịch này cũng được đăng tải khá nhiều.
Đơn cử như thông tin ngày 3/8/2020 về việc rao bán xe taxi i10 được đăng tải lên Group của một Hội lái xe taxi, cũng gây chú ý.
Theo hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 70 doanh nghiệp hoạt động và hơn 19 nghìn lái xe taxi.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp giảm tiền phí để giữ chân lái xe. Nhưng theo các lái xe, việc này chỉ đỡ đần được một phần nhỏ. Trong nghề taxi muốn có thu nhập phải có khách hàng.
Chính vì vậy, để cuộc sống của các lái xe taxi trở lại bình thường điều quan trọng nhất chính là dịch bệnh cần được khống chế. Khi sức khỏe của lái xe và khách hàng được đảm bảo, lượng người sử dụng phương tiện di chuyển bằng taxi sẽ quay trở lại.
Cần nhiều hỗ trợ
Trao đổi với PV Dân Trí, bà Đào Ngọc Ánh, Thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội, khẳng định sự tác động nghiệm trong do dịch Covid-19 đối với các lái xe và doanh nghiệp.
Theo bà Đào Ngọc Ánh, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải cũng như các lái xe trong tháng 3/2020 giảm 70% - 80%, trong tháng 4/2020 tất cả các doanh nghiệp và tài xế không có doanh thu. Còn trong tháng 5 - 6, doanh thu đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
“Đối với chính sách hỗ trợ lái xe trong mùa Covid-19, từng doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ khác nhau. Hiệp hội đã có gửi đơn kiến nghị tới các Bộ ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và lái xe, như: Giãn thời gian nộp các khoản thuế, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ,..” - bà Đào Ngọc Ánh cho hay.