1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Covid-19: Khao khát trở về của lao động Trung Quốc mắc kẹt nơi đất khách

Không việc làm, không thu nhập và rất ít hy vọng được trở về nhà, một số người lao động Trung Quốc ở nước ngoài cảm tưởng như họ đang bị giam trong tù và mòn mỏi chờ ngày tự do.

Tháng 12 năm ngoái, Zhu Bowen cảm thấy rất hạnh phúc khi có cơ hội được nhận một công việc trong ngành công nghệ thông tin tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã khiến cuộc sống của sinh viên mới ra trường 24 tuổi này đảo lộn hoàn toàn tại nơi đất khách quê người.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở thành phố cảng Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc, Zhu đăng ký tiếp một khóa đào tạo về khoa học máy tính và đến Tokyo học tiếng Nhật để có cơ hội vào làm việc cho một công ty công nghệ của địa phương.

Vốn dĩ mùa xuân này, cô được nhận vào làm vị trí thử nghiệm phần mềm tại một công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, ước mơ sự nghiệp phát triển của Zhu đã tan tành mây khói. Đại dịch kéo theo những hệ lụy về chi phí sinh hoạt tại một trong những đô thị đắt đỏ nhất thế giới đã cuốn bay cơ hội việc làm của Zhu.

Covid-19: Khao khát trở về của lao động Trung Quốc mắc kẹt nơi đất khách - 1
Hàng chục nghìn người lao động nước ngoài tại Singapore phải cách ly trong các khu ký túc xá chật chội vì dịch Covid-19. Ảnh: EPA

Trước tháng 3, thu nhập ròng một tháng của Zhu rơi vào khoảng 127.000 yên (tương đương 27 triệu đồng). Từ tháng 3 đến tháng 5, thu nhập giảm 20%. Đến tháng 6, thu nhập của cô giảm tiếp 20% nữa. Cuối cùng, công ty yêu cầu Zhu tự thôi việc mà không được bất kỳ khoản bồi thường hay hỗ trợ nào.

“Cuối cùng tôi viết đơn xin nghỉ việc. Một đồng nghiệp khác của tôi, từ chối nghỉ việc và vẫn nhận được 30.000 yên. Song số tiền đó không đủ để ăn. Anh ấy vẫn đang kiếm việc khác, nhưng thị trường việc làm rất cạnh tranh. Nếu như tôi đi phỏng vấn cho một công ty địa phương khác, chắc chắn họ vẫn ưu tiên các ứng viên người Nhật hơn”, Zhu chia sẻ.

Zhu không đơn độc trong tình thế mắc kẹt này. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đối với người lao động Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm các thủy thủ trên các tàu chở hàng, du thuyền cũng như công nhân xây dựng tại các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Một bộ phận vất vưởng tại nơi đất khách trong nhiều tháng qua, không thu nhập, không công việc và cơ hội về nước là rất mong manh.

Xiong Gang - một người Trung Quốc đã sang Singapore định cư 20 năm - cho biết anh đang hỗ trợ hàng nghìn người lao động Trung Quốc đang sống tại các ký túc xá cho người nhập cư ở Singapore.

Tuy nhiên, do không gian sống chật chội và điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các khu ký túc xá này đã trở thành một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất tại Singapore. Chính phủ Singapore đã phong tỏa khu vực, đưa một số công nhân đến các cơ sở khác nhau và tiến hành xét nghiệm Covid-19 diện rộng.

“Nhiều người lao động muốn về nước, vì họ cảm giác như họ đang bị giam trong tù vậy. Nếu như có việc làm, có thể họ còn muốn ở đây. Thức ăn không ổn, họ cũng không được đi lại tự do và cảm thấy tuyệt vọng. Các công nhân nhận được hỗ trợ hàng tháng của chính phủ rơi vào 700 đô la Singapore (11 triệu đồng), nhưng phần lớn còn phải tiết kiệm và gửi tiền cho gia đình”, ông Xiong cho biết.

Covid-19: Khao khát trở về của lao động Trung Quốc mắc kẹt nơi đất khách - 2

Điều kiện sống không đảm bảo của những người lao động nhập cư tại Singapore. Ảnh: Reuters

Tại châu Phi - nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch sẽ bùng phát mạnh hơn nữa con số đang ghi nhận, người lao động Trung Quốc cũng mòn mỏi chờ ngày về.

Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội hồi tháng 6, ông Ren Jiagui – một kỹ sư 58 tuổi – cầu xin giúp đỡ cùng những công nhân Trung Quốc đang mắc kẹt tại Nigeria. Ông Ren đã mất việc từ tháng 3 và hiện phải sống bằng khoản tiền tiết kiệm và quyên góp.

“Hỏi Đại sứ quán Trung Quốc tại địa phương liệu rằng có chuyến bay đưa chúng tôi về nước không, câu trả lời chúng tôi luôn nhận được là ‘Tôi không biết’. Họ chỉ khuyên bạn nên tuân thủ quy định và luật pháp địa phương, bảo vệ sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng Covid-19. Một số người hỏi vay đại sứ quán vì họ không có thu nhập. Nhưng họ chỉ được khuyên nên xin gia đình”, ông Ren bày tỏ.

Lisa Dai mắc kẹt tại Kenya từ cuối tháng 3 sau khi nước này đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay quốc tế. Cô chỉ vừa hoàn thành khóa thực tập 10 tháng và dự định tốt nghiệp vào mùa hè năm nay. Nhưng cơ hội việc làm tại ngay cả Trung Quốc còn mờ mịt, Dai thực sự quan ngại cho tương lai của bản thân.

Chính phủ Kenya thông báo đã nối lại hoạt động các chuyến bay quốc tế vào cuối tuần qua. Dai đang hy vọng mình sẽ có một suất trong một vài chuyến bay do đại sứ quán Trung Quốc tổ chức, do vé máy bay thương mại đang cực kỳ đắt. “Một số người mắc kẹt tại đây muốn chờ đến tháng 9 để xem giá vé có giảm đi được chút nào hay không”, Dai cho hay.

Một công nhân Trung Quốc khác tại Kenya giấu tên cho biết các đại sứ quán Trung Quốc ở các quốc gia châu Phi đang thực hiện những biện pháp khác nhau để giúp công dân nước mình. “Đại sứ quán Trung Quốc tại Rwanda đang tổ chức một số chuyến bay thẳng với giá 1.000 USD/người, nhưng không phải đại sứ quán nào cũng làm được điều đó. Ở Kenya, ngoài người lao động nhập cư, còn có khách du lịch, trẻ em và phụ nữ mang thai cũng đã mắc kẹt ở đây nửa năm rồi”.