Hà Nội: 17 trường dạy nghề sẽ áp chuẩn khu vực ASEAN
(Dân trí) - Chất lượng và kết quả đào tạo tại các trường dạy nghề của Hà Nội hiện không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Hà Nội đang đổi mới chất lượng hệ thống trường dạy nghề, 17 trường dạy nghề sẽ áp chuẩn khu vực ASEAN.
Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, tính đến tháng 10/2011, toàn TP có 261 cơ sở dạy nghề, trong đó có 20 trường cao đẳng, 46 trường trung cấp, 56 trung tâm dạy nghề. Số lao động được đào tạo nghề tăng từ 117.000 người (năm 2008) lên 140.000 người (năm 2010); Hà Nội là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất nước với 31,1% (cả nước là 13,3%, TP Hồ Chí Minh là 20%).
Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng người lao động qua đào tạo mới đáp ứng được 30% nhu cầu sử dụng. Kết quả điều tra của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, mặc dù mỗi năm TP tạo thêm việc làm cho hơn 129.000 lao động (tính từ năm 2008 đến năm 2010) thế nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn còn hơn 3,2%, khu vực nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo nghề còn cao hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lý giải, nguyên nhân là do có quá nhiều ngành nghề đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc chuyển đào tạo sang hướng đáp ứng nhu cầu thực tế diễn ra chậm. Nhiều cơ sở chưa gắn đào tạo với sử dụng, với sản xuất, việc làm và chưa theo sát yêu cầu, sự chuyển động của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nhiều cơ sở sử dụng lao động phải đào tạo lại. Đội ngũ giáo viên dạy nghề vừa yếu vừa thiếu về số lượng.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Hà Nội vừa tiến hành quy hoạch 17 trường trọng điểm dạy nghề trên địa bàn thành phố hoạt động theo chuẩn khu vực ASEAN. Đây là chương trình nằm trong quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt các trường nghề trọng điểm theo chuẩn chuẩn khu vực chuẩn khu vực ASEAN
Theo ông Đức, sau 5 năm sẽ đào tạo theo chuẩn Quốc tế về kỹ năng đào tạo nghề cho 25 – 30% giáo viên dạy nghề trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, đào tạo tạo theo chuẩn khu vực ASEAN về kỹ năng đào tạo nghề cho 20 - 25 giáo viên dạy nghề trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó lãnh đạo và giáo viên dạy nghề sẽ được tham dự các chương trình tập về kỹ năng dạy nghề và kỹ năng quản lý các trường nghề.
Cùng đó, các trường dạy nghề cũng sẽ được tạo cầu nối liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ và lo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; tạo cầu nối cho ít nhất 4000 – 5000 học viên các trường nghề có được việc làm sau khi đã đào tạo nghề bằng việc tổ chức các ngày hội việc làm trên toàn thành phố và ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp tại các trường.
Ngoài ra, với chuẩn dạy nghề mới, những sinh viên trường nghề xuất sắc sẽ được đưa ra nước ngoài học tập kinh nghiệm và đào tạo nâng cao
Phạm Thanh