1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng: "Thiết thực và công bằng"

Khánh Hồng

(Dân trí) - Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng nhìn nhận gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng là chính sách rất kịp thời, thiết thực và công bằng đối với người lao động cũng như doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Đúng mục đích và mục tiêu

Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, tổng trị giá của gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, TP Đà Nẵng), nhận định đây là chính sách rất kịp thời đối với doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp và người lao động rất vui mừng và háo hức mong chờ gói hỗ trợ này.

Theo ông Lĩnh, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có khoảng 2.800 lao động được đóng bảo hiểm xã hội thường xuyên. Nhưng do quy định giãn cách xã hội của thành phố nên công ty chỉ có khoảng 1.500 công nhân đang làm việc.

Công nhân trong khu công nghiệp_Đà Nẵng_CTV.jpg

Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng nhìn nhận gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng là chính sách rất kịp thời, thiết thực và công bằng đối với người lao động cũng như doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này (Ảnh: CTV).

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng - cũng nhận định, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng là cần thiết và kịp thời đối với doanh nghiệp cũng như người lao động ở thời điểm này.

"Khi doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn thì việc dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ rất đúng mục đích và mục tiêu. Việc này không những giúp cho người lao động vượt qua khăn mà còn giúp doanh nghiệp khởi tạo được nguồn lao động", ông Quang nói.

Theo ông Quang, khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn lao động bị đứt gãy. Để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần người lao động quay trở lại. Gói hỗ trợ này rất kịp thời giúp người lao động tiếp cận được nguồn hỗ trợ, doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn lao động, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.

"Gói hỗ trợ cũng tạo kích thích tiêu dùng, góp phần tạo tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sản xuất. Vì vậy, gói hỗ trợ này không chỉ là an sinh mà còn hỗ trợ sức mua cho nền kinh tế, tăng sức tiêu thụ của người dân để hoạt động kinh doanh được phát triển trở lại", ông Quang cho biết thêm.

Giải ngân càng sớm càng tốt

Ông Phạm Bắc Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng - cũng nhận định, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ rất thiết thực và có hiệu quả về thủ tục.

"Rõ ràng người lao động thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tất cả những dữ liệu đều có. Cái này có thể nói là một gói thiết thực nhất, chính xác nhất và mọi người đều được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Không phải xác nhận, không phải yếu tố nọ, kia. Những người đã nộp bảo hiểm thất nghiệp và bây giờ người ta được hưởng. Đây là gói hỗ trợ rất công bằng và thiết thực. Tôi rất mong muốn giải ngân càng sớm càng tốt", ông Bình chia sẻ.

Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng: Thiết thực và công bằng - 2

Doanh nghiệp mong gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sớm được giải ngân (Ảnh: Khánh Hồng). 

Ông Bình cũng cho biết, thành phố chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới. Khi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cần đội ngũ người lao động, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật quay trở lại làm việc.

Vì vậy, ông Bình đề xuất thành phố cần có quy định phù hợp để người lao động vào Đà Nẵng làm việc được thuận lợi.

"Khi các doanh nghiệp vận hành, cần đội ngũ người lao động, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật quay trở lại làm việc. Vì vậy, rất mong muốn thành phố nhanh chóng đưa ra quy chuẩn tương đối phù hợp thuận tiện để người lao động trở lại làm việc, phục hồi kinh tế", ông Bình nói.