Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng: Liều "doping" cho doanh nghiệp, người lao động
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng như một liều thuốc tinh thần giúp họ và người lao động giảm bớt khó khăn, dần hồi phục sản xuất.
Người lao động có tiền đóng nhà trọ, học phí cho con
Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, tổng trị giá của gói hỗ trợ vào khoảng 38.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ tiền mặt và các mức hỗ trợ khác nhau, dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng/người.
Tổng số tiền hỗ trợ tới người sử dụng lao động khoảng 8.000 tỷ đồng, thông qua hình thức giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp, thời gian thực hiện 12 tháng, từ 1/10/2021-30/09/2022.
Ngay khi được thông qua, Nghị quyết 116/NQ-CP đã nhận được sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người lao động. Cùng với việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Nghị quyết 116 giúp người lao động, doanh nghiệp từng bước vượt khó trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
"Đây là gói hỗ trợ ý nghĩa, kịp thời, dù số tiền không lớn nhưng là liều thuốc tinh thần giúp doanh nghiệp, người lao động vực dậy sau nhiều khó khăn của đại dịch. Người lao động sẽ có tiền để đóng tiền nhà trọ, đóng học phí, mua thiết bị học trực tuyến cho con", ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM chia sẻ.
Theo ông Việt, vừa qua nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị ngưng việc. Dù công ty đã hỗ trợ 100.000 đồng/ngày, cùng nhu yếu phẩm nhưng chưa thể giải quyết căn cơ được vấn đề của người lao động.
Việc Chính Phủ chi 38.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp rất hữu ích". "ông Việt nhấn mạnh.
Đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhiều người lao động vẫn chưa nhận được mức hỗ trợ từ 1,8 - 3,7 triệu đồng do tạm ngưng việc theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. "Chúng tôi hy vọng, gói hỗ trợ lần này cùng những gói hỗ trợ lần trước sẽ sớm đến được tay người lao động để giúp họ ổn định hơn", ông Việt đề xuất.
Còn theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, thời gian giãn cách quá lâu đã khiến người lao động dần cạn kiệt kinh tế. Do vậy, những gói hỗ trợ như trên sẽ giúp họ từng bước ổn định, phấn khởi.
"Doanh nghiệp và người lao động rất chờ đợi những hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền TPHCM. Tuy vậy, đây là những hỗ trợ tạm thời, họ vẫn mong muốn đi làm trở lại để có thu nhập" - ông Đại nói.
Mong hỗ trợ đưa lao động trở lại làm việc
Theo ông Phạm Văn Việt, để sớm hồi phục, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thêm về các chính sách cho vay và nhân lực. Từ ngày 1/10, các doanh nghiệp tại TPHCM sẽ hoạt động theo tiêu chí "4 xanh" - việc hỗ trợ càng sớm sẽ càng tốt cho doanh nghiệp.
"Khoảng 400.000 người lao động đã trở về quê. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ chính sách để sớm đưa lao động trở lại TPHCM sản xuất, đáp ứng nhu cầu đợt cao điểm trước Tết", ông Việt kiến nghị.
Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động, để họ sớm đi làm trở lại.
"Khi thực hiện "4 xanh" vẫn có khoảng 15 - 20% người lao động phải ở nhà, đời sống họ vẫn rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi mong Chính phủ sẽ sớm có những hỗ trợ để giúp người lao động có thể đi làm bình thường trở lại", ông Việt kiến nghị thêm.
Cùng lo lắng như ông Việt, ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho rằng rất khó để đưa lao động trở lại TPHCM nếu không có chính sách phù hợp. Nếu thiếu hụt lao động, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dịp cuối năm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Sau đợt dịch, nhiều lao động đã có xu hướng về quê để gần gũi người thân, gia đình. Họ chấp nhận thu nhập thấp hơn để được ở quê. Do đó, khả năng thiếu lao động trầm trọng rất có thể xảy ra", ông Đại nhận định.
Ông Đại mong Chính phủ, UBND TPHCM có thêm những chính sách đảm bảo an sinh và hỗ trợ người lao động đang trụ lại TPHCM để họ sớm đi làm trở lại.
"Công ty Juki có trên 1.300 người lao động, hiện nay mới có khoảng 700 người lao động đi làm. Những lao động còn lại vẫn mong từng ngày được trở lại, tôi mong thành phố sẽ có hướng hỗ trợ thêm doanh nghiệp, người lao động", ông Đại đề xuất.