DMagazine

Giữ chân "người rừng" ở Tây Nguyên

(Dân trí) - Đời sống sinh hoạt thiếu thốn và áp lực giữ rừng giữa thời điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng căng thẳng khiến nhiều nhân viên giữ rừng viết đơn xin nghỉ việc.

Đời sống sinh hoạt thiếu thốn và áp lực giữ rừng giữa thời điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng căng thẳng khiến nhiều nhân viên giữ rừng viết đơn xin nghỉ việc. Thực trạng này đang diễn ra tại các đơn vị lâm nghiệp khi áp lực gia tăng nhưng thu nhập của người lao động không bảo đảm.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 1

Chúng tôi theo chân các cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên) đi sâu vào những cánh rừng nằm trên địa bàn xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

Giữa bốn bề rừng núi, thi thoảng lại có một đám rẫy của người dân. Trên đất, cà phê, điều, bơ và đủ loại cây trồng khác đã phát triển xanh tốt.

Anh Phạm Quang Trung, Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 (QLBVR) giải thích: "Đất này họ lấn chiếm gần 20 năm rồi. Trước đây, đồng bào M'nông sống trong tận rừng sâu, chính quyền đưa họ ra trung tâm xã để ổn định cuộc sống, con cái đi học và tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, lợi dụng lúc không có nhân viên QLBVR, họ lại rủ nhau vào xâm lấn, phá rừng để trồng cây công nghiệp".

Nói vừa dứt, chiếc xe máy của anh Trung phải nép vội vào bên đường, nhường lối đi cho chiếc xe máy cày, chở theo 5-6 người lầm lầm tiến vào bên trong  rừng.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 3

Tiếng máy nổ văng vẳng, thi thoảng tắt ngỏm rồi lại vang lên bành bạch. Trạm phó Trạm QLBVR số 4 nói: "Xe chết máy vì chạy qua suối. Từ đây vào bên trong phần đất mà họ lấn chiếm, phải đi qua hơn chục con suối. Vào mùa mưa, nước chảy cuồn cuộn, vậy mà họ vẫn lao đi ầm ầm. Đất họ lấn chiếm để trồng cây công nghiệp nên họ đưa cả nhà vào đó dựng lán ở, tiện việc chăm sóc".

Đi thêm một đoạn, chúng tôi bỏ lại xe máy rồi men theo lối mòn mà người dân tự mở, đi vào nơi còn những gốc cây lớn. Anh Trung mở bản đồ trên điện thoại di động, sử dụng thiết bị chuyên dụng, xác định vị trí chính xác nơi đang dừng chân. Cách đó không xa, một diện tích đất lâm nghiệp đã được người dân phát dọn cỏ, chuẩn bị xuống giống khi mùa mưa bắt đầu.

"Công việc có khi đi rừng cả tuần, điện thoại mang theo chỉ để xem bản đồ chứ không nghe gọi được. Anh em thay nhau đi tuần tra, mắc võng ngủ lại luôn trong rừng. Hơn 10 năm nay, chúng tôi đã quen với cảnh "ăn suối, ngủ rừng" này rồi !", anh Trung nói dí dỏm trong lúc ngồi nghỉ chân.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 5

Giọng nhân viên QLBVR bỗng chậm lại khi nhắc về công việc của mình. Đối với anh Trung, giữ rừng không chỉ là công việc nuôi sống anh và gia đình, giữ rừng còn mang đến cho anh nhiều kỷ niệm. Đã có lúc, nam nhân viên này phải đánh đổi bằng máu và sức khỏe để hoàn thành công việc.

"Ngày 26/4/2012, tôi cùng đoàn nhân viên QLBVR đi tuần tra. Ngày hôm đó, chúng tôi đụng độ với một nhóm lâm tặc. Một số anh em nhanh chân chạy được ra ngoài để nhờ hỗ trợ, riêng tôi và hai người nữa bị nhóm lâm tặc tấn công. Cả ba người bị đánh đến mức nhập viện, thậm chí có anh bị mất một miếng sọ não, đến nay vẫn chưa được ghép mới", anh Trung nhắc lại kỷ niệm tròn 10 năm anh nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chuyện "giáp mặt" với lâm tặc xưa nay không phải là hiếm đối với những người giữ rừng. Vì trách nhiệm, vì công việc, buộc họ phải chấp nhận mạo hiểm để bảo vệ từng gốc cây, mảnh đất thuộc lâm phần của đơn vị. Nhiều người không thể trụ được nghề. Thậm chí, có người phải bỏ việc dù mức lương cao hơn làm nương rẫy hàng ngày.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 7

17 năm gắn bó với công việc giữ rừng, cũng là từng đó thời gian anh Huỳnh Hữu Hiếu, nhân viên Trạm QLBVR số 4 sống trong cảnh lấy võng làm nhà. Cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc, ăn bờ, ngủ bụi khiến bề ngoài người đàn ông này già hơn tuổi 53 của mình.

Hiếu kể anh gắn bó với Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên khi đơn vị này còn là Lâm trường Quảng Trực. Quản lý, bảo vệ hơn 27.000 ha rừng, trong đó có nhiều điểm nóng về lấn chiếm đất rừng nên có thời gian, anh gần như không thể về nhà.

Cũng vì sống trong môi trường ẩm ướt, muỗi mát, nên suốt 17 năm qua, anh Hiếu không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu trận sốt rét. Chính những lần nằm viện điều trị cũng là những lần "nghỉ dưỡng" lâu nhất đối với nam nhân viên giữ rừng này.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 9

"Ngày trước, khi đường đi lại khó khăn, phải mất cả tuần mới đi ra được trung tâm huyện, bị sốt rét phải nằm điều trị rất lâu. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi có nhiều loại thuốc hơn, chỉ nằm điều trị hơn một tuần là khỏi. Với dân trong nghề, không còn ai xa lạ với căn bệnh này", giọng anh Hiếu ráo hoảnh, nhắc về căn bệnh từng là nỗi ám ảnh một thời của nghề giữ rừng.

Tuy nhiên, chuyện bệnh tật hành hạ, chuyện giáp mặt lâm tặc có lẽ không đáng sợ bằng những "trận đòn tâm lý" giáng vào nhân viên bảo vệ rừng. Áp lực công việc, nay lại cộng dồn bởi áp lực từ gia đình, đã khiến nhiều nhân viên QLBVR bỏ nghề.

Cầm trên tay sấp đơn xin nghỉ việc của nhân viên, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Phạm Hòa Dũng rưng rưng: "Chỉ 3 tháng đầu năm, đã có 5 người nghỉ việc. Điểu C. - dân tộc M'nông- người nhận mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng cũng xin nghỉ vì không chịu được áp lực từ gia đình, dòng họ. Anh ấy đi làm, vợ con ở nhà không ai muốn tiếp xúc, chỉ bởi một lý do đơn giản, Điểu C. là nhân viên QLBVR".

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 11

Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Dũng lý giải, diện tích mà Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý, bảo vệ là địa bàn sinh sống của đồng bào M'nông. Trước đây, người dân có tập quán phá rừng, làm nương rẫy, dựng nhà ngay trên đất lâm nghiệp.

"Điểu C. vào công ty làm rồi cùng anh em trong đơn vị đi vận động, tuyên truyền người dân. Cũng vì lẽ đó mà người dân trong vùng dần xa cách với gia đình Điểu C. Càng về sau, mối quan hệ giữa xóm làng càng rạn nứt, buộc anh này phải lựa chọn giữa công việc và gia đình, dòng tộc. Tháng 3 vừa qua, Điểu C. xin nghỉ việc trước sự tiếc nuối của anh em trong đơn vị", ông Dũng nói.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 13

Giữa muôn vàn khó khăn, cán bộ quản lý các đơn vị lâm nghiệp cho rằng, không phải họ muốn kêu khó và kể khổ. Chấp nhận công việc, tức là chấp nhận những rủi ro và khó khăn chờ đón phía trước. Tuy nhiên, điều họ mong muốn, là có một chính sách để giữ chân người giữ rừng, để nhân viên QLBVR thực sự có thể sống được bằng nghề.

Dẫn chứng cho tình trạng nhân viên ồ ạt xin nghỉ việc, ông Đỗ Thành Tâm - Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) - cho biết trong năm qua, đơn vị có 6 người xin nghỉ. Thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 4,5-6 triệu đồng, trong khi thời gian làm việc gần như 24/24 đã khiến nhiều người chọn cách ra đi.

Theo ông Tâm, đơn vị nhận quản lý, bảo vệ hơn 6.700 ha, với số lượng cán bộ quản lý và nhân viên như hiện tại (19 người), trung bình mỗi người sẽ có trách nhiệm với hơn 350 ha.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 15

Diện tích quản lý, bảo vệ rộng, trong khi đó lương và phụ cấp thấp, điều kiện sống thiếu thốn... dẫn đến việc anh em không mặn mà với nghề. Đó là chưa kể chuyện sẽ bị truy cứu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng.

"Chúng tôi cũng rất lo lắng khi anh em lần lượt "dứt áo ra đi". Về phía công ty, công đoàn cũng đã vận động, thuyết phục mọi người ở lại, tuy nhiên vì cuộc sống gia đình, có những người buộc phải bỏ nghề để tìm một công việc mới. Việc này ít nhiều làm dao động tâm lý của những người ở lại", ông Tâm cho hay.

Tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, từ nhiều năm nay, thu nhập của nhân viên QLBVR cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, không chỉ của lãnh đạo đơn vị này mà còn của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Phạm Hòa Dũng, để giữ chân người lao động, tới đây công ty này sẽ xây dựng một đề án riêng, trả lương theo vị trí việc làm đối với người không đảm nhận chức vụ. Trong đó, người lao động khi mới vào làm việc sẽ nhận mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng, sau đó tăng dần theo từng năm.

Thẳng thắn nhìn nhận thực tế, ông Dũng cho rằng, dù thực hiện đề án riêng nhưng đối với mức lương này, cũng khó thu hút được lao động phổ thông, chứ chưa nói đến lao động có trình độ cao.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 17

"Cần có chính sách đặc thù đối với ngành lâm nghiệp, bởi lực lượng nhân viên QLBVR vốn đã mỏng, nay lại tiếp tục nghỉ việc, từ đó tạo thêm áp lực cho những người ở lại. Nếu không sớm bổ sung thêm nhân lực giữ rừng thì các chủ rừng không chỉ đối diện với nguy cơ mất rừng, lấn chiếm đất rừng mà còn đối diện với thực trạng anh em tiếp tục xin nghỉ việc", ông Dũng nói.

Trong khi đó, theo ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong), để giữ chân được "người rừng" thì thu nhập, điều kiện sinh hoạt của nhân viên QLBRV vẫn là điều quan trọng nhất. Trước thực tế đó, các đơn vị chủ rừng phải tự chủ hoặc tự chủ một phần tiền để trả lương cho cán bộ, nhân viên giữ rừng, sẽ rất khó khăn.

"Vấn đề nóng nhất hiện nay đối với hoạt động của các đơn vị lâm nghiệp đó là nhân lực. Tuy nhiên, để duy trì số lượng người hiện tại hoặc thậm chí bổ sung thêm người mới, nguồn lực kinh tế vẫn là điều tiên quyết. Trong năm qua, đã có 6 nhân viên của đơn vị xin nghỉ việc vì đời sống không đảm bảo, nhiều người khác cũng rục rịch xin nghỉ", lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng nói.

Giữ chân người rừng ở Tây Nguyên - 19

Để bổ sung vào nguồn lực kinh tế hàng năm, tiến tới việc tự chủ toàn bộ của các đơn vị lâm nghiệp, năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững. 4 trụ cột chính được đưa ra trong phương án này là quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có; phát triển trồng rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng; khai thác và chế biến lâm sản phụ và phát triển du lịch sinh thái gắn với khai thác rừng bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đánh giá: "Khi triển khai phương án, các đơn vị chủ rừng sẽ có thêm nguồn lực để đảm bảo duy trì hoạt động. Đặc biệt, chất lượng, đời sống của người lao động hy vọng sẽ được cải thiện hơn khi thực hiện phương án".

Tuy nhiên, trong khi chờ phương án được triển khai và mang lại hiệu quả, việc bổ sung biên chế cho lực lượng kiểm lâm tại các địa phương vẫn cần phải sớm được thực hiện. Bởi thực tế, chưa nói đến chất lượng, trình độ của nhân viên QLBVR, chỉ riêng việc thiếu người giữ rừng đã khiến tình trạng vi phạm lâm luật tại Đắk Nông ngày càng diễn biến phức tạp.

Nội dung: Đặng Dương

Thiết kế: Thủy Tiên