Kon Tum:

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng "trụ không nổi"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Chịu áp lực công việc lớn trong khi chế độ đãi ngộ còn bất cập, nhiều nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc. Có đơn vị chỉ trong hơn 2 năm đã có 20 người xin nghỉ việc.

2 năm, 20 nhân viên nghỉ việc

Ngày ngày, những cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Thạch Nham dựng lán, cắm trại trên những rẻo núi chông chênh, không sóng điện thoại, không nước sạch. Mỗi năm, những người giữ rừng chỉ về được với gia đình vài lần.

Sự khắc khổ ấy chỉ để nhận lại với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng.

Những bất cập khiến BQL RPH Thạch Nham trong hơn 2 năm qua đã có khoảng 20 người nhân viên, cán bộ xin nghỉ việc.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 1

Những khó khăn về chính sách, áp lực công việc đã khiến nhiều nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc.

Trên chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi di chuyển gần 5 tiếng đồng hồ để đến Trạm quản lý Bảo vệ rừng số 3, BQL RPH Thạch Nham. Nói là "trạm" nhưng thực ra nơi này chỉ là mấy tấm bạt cũ ghép với ván thừa làm chỗ cho 6 nhân viên bảo vệ rừng tránh mưa nắng, ngủ nghỉ sau những ngày đi tuần tra.

Trạm Bảo vệ rừng số 3 nằm ở trên lưng chừng núi. Mọi thông tin liên lạc ở đây đều là "truyền miệng" vì không có sóng điện thoại. Lương thực chủ yếu cũng chỉ rau rừng, cá suối, mì tôm…

Sự khó khăn, thiếu thốn của nhân viên bảo vệ rừng trên đường tuần tra

Anh Chu Văn Khánh - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3 bộc bạch: "Tôi năm nay đã 41 tuổi, có 15 năm làm nghề. Thời gian công tác lâu vậy nhưng mức lương mới được hơn 6 triệu đồng, hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng tiền công tác phí".

"Sau mỗi ngày tuần rừng vất vả, anh em về trạm nghỉ ngơi, thường mới ngủ được đôi chút thì nửa đêm, nghe tin báo lại lục đục soi đèn đi kiểm tra, xác minh nguồn tin. Anh em trong trạm đều phải chịu trách nhiệm 24/24h với công việc được giao. Trước công việc áp lực, vất vả, trách nhiệm lớn và mức lương lại thấp, các cán bộ trẻ đã lần lượt xin nghỉ việc." anh Khánh bộc bạch.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tuấn năm nay đã 34 tuổi, có hơn 12 năm sống ở khu vực "rừng thiêng, nước độc". Anh Tuấn quê ở Hà Tĩnh nhưng vì "cái nghiệp" nên khi học xong đã xin về vùng miền núi ở huyện Kon Plông, Kon Tum công tác.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 2

Các nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng thường sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề, triền miên xa gia đình.

Dù đã có 12 năm công tác nhưng mức lương của anh Tuấn hiện nay chỉ khoảng 4,8 triệu đồng. Số tiền này, anh Tuấn dành để gửi về cho vợ ở quê nuôi các con. Hai vợ chồng anh chị gần như chỉ gặp nhau qua...  điện thoại.

Anh Tuấn tâm tư: "Mỗi anh em trong trạm chúng tôi phải "gánh trên vai" hơn 1.000ha rừng, tương đương với một tiểu khu. Ở đây địa hình dốc dựng đứng, là địa bàn giáp ranh nhiều tỉnh. Mỗi lần đi rừng về, đôi chân đau rã rời, chuyện trượt chân ngã vực là rất bình thường. Nhiều anh em cũng xin nghỉ vì tai nạn lao động".

Ông Phan Quốc Vũ - Trưởng BQL RPH Thạch Nham thông tin, trong hơn 2 năm qua, đơn vị đã có đến 20 nhân viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, trong đó có 10 viên chức.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 3

Mỗi năm, anh Tuấn chỉ xin về thăm vợ con được vài lần. Lương tháng hơn 4 triệu đồng, anh đều gửi về cho gia đình, còn bản thân tự hái rau, bắt cá suối xung quanh trạm để qua bữa.

"Dù nguồn chi và các khoản đều còn nhưng theo quy định thì không được chi trả, hỗ trợ thêm cho nhân viên, cán bộ đi tuần tra rừng. Mỗi tháng, các anh em chỉ được nhận khoản lương từ 3-6 triệu đồng và hỗ trợ 500 nghìn đồng. Đơn vị cũng mong muốn cơ quan chức năng giúp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đó", ông Vũ cho biết.

"Không nuôi nổi gia đình, sao bám được rừng?"

Nhiều năm gần đây, khu vực Tây Nguyên đã đẩy mạnh nhiều biện pháp để giữ rừng. Tuy nhiên, hiện tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn là vấn đề "nóng" ở Tây Nguyên, làm giảm cả về diện tích, trữ lượng rừng.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 4

Hành trình đi tuần tra của những cán bộ bảo vệ rừng luôn rình rập nguy hiểm. Cán bộ, nhân viên lực lượng giữ rừng thường bị nhiều đối tượng đe dọa tính mạng bản thân, gia đình (Ảnh: T.T).

Tình trạng "lâm tặc" ngày một nóng hơn khiến nhiều nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng thường xuyên bị đe dọa, hành hung khi đi tuần tra.

Cụ thể, chiều ngày 14/4, hai đối tượng đã mang theo một khẩu súng và mã tấu đến Trạm QL,BVR Đăk Pxi, trực thuộc BQL RPH Đăk Hà (đóng tại thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum). Lúc này, một đối tượng đã cầm súng chĩa về phía viên chức Nguyễn Văn Cường hô: "Tôi bắn vỡ sọ ông" vì cho rằng ông Cường đã cung cấp hình ảnh, thông tin về vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 329 cho cơ quan chức năng.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 5

Bữa cơm với mì tôm, rau rừng, cá suối của những người lính giữ rừng (Ảnh: T.T).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, BQL RPH Đăk Hà đã trình báo với cơ quan chức năng. Công an huyện Đăk Hà đã mời Hồ Sỹ Hải và những người có liên quan đến làm việc. Tại cơ quan điều tra, đối tượng đã khai nhận sự việc như trên. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ông Phạm Ngọc Nhẫn - Trưởng BQL RPH Đăk Hà cho biết, do chế độ thấp, áp lực công việc cao khiến nhiều nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng phải xin nghỉ việc trong thời gian qua. Lực lượng đi tuần tra cũng không được hỗ trợ thêm. Số tiền lương không đủ đổ xăng, sửa xe để đi tuần tra rừng.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 6

Nhiều năm nay, cán bộ, nhân viên và các chủ rừng luôn kiến nghị, mong có thêm những chính sách đãi ngộ, sự hỗ trợ chính đáng với nhân viên bảo vệ rừng.

"Tiền lương không đủ nuôi chính mình thì làm sao nuôi đủ gia đình. Chính vì vậy, nhiều người trong đơn vị đã xin nghỉ việc, chuyển ngành khác. Bản thân tôi và nhân viên luôn bị các đối tượng nhắn tin đe dọa bản thân, gia đình. Áp lực công việc lớn, đơn vị đã luôn vận động người dân và chính quyền hỗ trợ, phối hợp đi tuần tra để bảo vệ lẫn nhau. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm cho nhân viên, cán bộ được yên tâm công tác", ông Nhẫn bày tỏ.  

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum phân tích, diện tích rừng Kon Tum thì rộng và khó quản lý. Tuy nhiên, mức lương và các chế độ đãi ngộ để đáp ứng mức sống tối thiểu cho nhân viên bảo vệ rừng không được đảm bảo.

10 năm ăn núi ngủ lều, lương 5 triệu, nhân viên bảo vệ rừng trụ không nổi - 7

Trong lúc chờ những chính sách phù hợp thì các cán bộ, nhân viên giữ rừng vẫn sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

"Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng lại sống xa đình, thiếu thốn đủ bề, cả về đời sống vật chất, sinh hoạt và tinh thần. Lớp nhân sự trẻ đang học ngành lâm nghiệp hiện cũng ngán ngại việc về địa bàn công tác. Bất cập này đã khiến Kon Tum hiện rất thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo vệ rừng" - ông Khánh trăn trở.

Vị lãnh đạo Sở nêu mong muốn các cấp, ngành Trung ương sớm có những văn bản, hướng dẫn về chế độ, chính sách để kịp thời hỗ trợ lực lượng tuần tra rừng. Đồng thời, các chủ rừng tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ thêm cho lực lượng đi tuần tra.