1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Khi con trai nhập viện, chị Tuyết gạt nước mắt chạy khắp nơi vay mượn 3,5 triệu đồng viện phí. Hơn nửa năm thất nghiệp, chị Tuyết cho biết đã nhận đủ cay đắng vì thiếu tiền chăm lo cho gia đình.

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài

Để phòng dịch bệnh Covid-19 lây lan trong trường học, thời gian qua, học sinh trên cả nước đã được cho nghỉ học. Việc học sinh nghỉ học kéo dài cũng gây ra những như ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên, đặc biệt là những giáo viên mầm non, tiểu học làm việc theo chế độ hợp đồng. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 1

Xóm trọ nghèo nơi chị Tuyết đang sinh sống tại quận 8, TPHCM. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 2

Căn phòng khoảng 10m2 chị Tuyết thuê với giá 1,3 triệu đồng/tháng. 

Hơn nửa năm thất nghiệp

Tại một phòng trọ ở bến Phú Định (quận 8, TPHCM), chị Hà Thị Tuyết (35 tuổi, quê ở Bình Định) đang tất bật chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Vì đã nghỉ việc hơn nửa năm, kinh tế phụ thuộc vào lương công nhân của chồng nên mọi chi tiêu đều được chị Tuyết tiết kiệm tối đa. 

Chị Tuyết cho biết đang làm việc tại cơ sở mầm non Q.M (quận Bình Tân, TPHCM). Hơn 10 năm theo nghề giáo viên, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với chị Tuyết và gia đình. 

"Bình thường cuộc sống gia đình đã rất khó khăn. Lương mỗi tháng của tôi là 5,5 triệu đồng. Tính cả tiền lương của chồng nữa thì được hơn chục triệu mới đủ chi tiêu. Giờ chỉ chồng đi làm nên tháng nào cũng thâm hụt, có tháng chồng rút lương xong là trả nợ hết sạch", chị Tuyết chia sẻ. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 3

Căn phòng chỉ có vài dụng cụ cũ để phục vụ sinh hoạt gia đình. 

Hơn nửa năm qua, chị cũng thường chạy lên trường nhưng chỉ để ngóng thông tin khi nào trường mở cửa, để đi làm lại. Chị cũng từng chạy vài nơi đi xin việc nhưng do dịch Covid-19, hầu hết các nơi đều không có nhu cầu tuyển dụng. 

"Tôi cũng mong có thể kiếm được các công việc thời vụ để tăng thu nhập nhưng xin hoài không được. Tôi ở nhà làm nội trợ và chăm con để chồng an tâm đi làm. Hơn 10 năm, tôi đi làm chưa khi nào khó khăn như năm nay. Nhiều khi trong nhà không còn một ngàn nào để mua thức ăn. Con hết sữa cũng không có tiền mua", chị Tuyết nghẹn ngào.

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 4

Vì thất nghiệp nên chị ở nhà lo nội trợ và chăm con nhỏ. 

Chị Tuyết cho biết, người chồng đang làm bảo vệ cho một công ty tư nhân. May mắn chồng chị không bị nghỉ việc nhưng cũng bị giãn giờ làm nên lương giảm đi đáng kể. Do đó, kinh tế gia đình chị càng ngày càng khó khăn hơn. 

"Từ lúc dịch bùng phát đến giờ, công việc của chồng tôi cũng không còn ổn định như trước. Có tháng chồng phải nghỉ hơn 15 ngày vì vậy tiền lương cũng bị giảm theo khoảng 50%. Sau Tết, chồng tôi vừa tranh thủ đi làm bảo vệ, vừa đi làm phụ hồ để gồng gánh gia đình", chị Tuyết cho hay. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 5

Mọi kinh tế trong gia đình lúc này phụ thuộc hết vào lương làm bảo vệ của chồng chị Tuyết. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 6
Dịp Tết hai mẹ con chị Tuyết ôm nhau khóc trong bệnh viện vì buồn tủi.

Đi làm công nhân

Khó khăn chồng chất khó khăn, đúng dịp Tết, con trai chị Tuyết bị bệnh. Tiền trong nhà đã cạn kiệt, hầu hết bạn bè thân thiết đã về quê khiến chị Tuyết khóc nghẹn.

Thấy con đau đớn vì bệnh, chị Tuyết nuốt nước mắt, chạy khắp nơi để vay đủ 3,5 triệu đồng tiền viện phí. Ở trong bệnh viện, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc vì buồn tủi. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 7
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo viên, chưa khi nào chị Tuyết khó khăn như hiện nay.

"Khi tôi chuẩn bị lên chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân khó khăn về quê ăn Tết thì con sốt phải đưa đi cấp cứu. Kế hoạch về quê bị hoãn lại. Khi vào bệnh viện, nghe thông báo phải đóng 3,5 triệu đồng tiền viện phí, tôi như chết lặng. May tôi xoay tiền kịp để con nhập viện. Giao thừa, hai mẹ con ở trong bệnh viện khóc mãi không thôi", chị Tuyết khóc nấc khi nhớ lại. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 8

Chiếc tivi cũ kỹ và hư hỏng đã lâu nhưng chị Tuyết vẫn chưa có tiền để mua tivi mới. 

Do dịch bệnh, chồng chị Tuyết không thể vào trong bệnh viện thăm con. Nhờ sự động viên liên tục của chồng nên chị Tuyết cũng vơi bớt nỗi buồn khổ. Con chị cũng nhanh chóng hồi phục và trở về phòng trọ. 

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 9

Tài sản lớn nhất của chị Tuyết là chiếc xe đạp điện cũ để đi làm. Chiếc xe này chị được một người bạn bán lại với giá rẻ khi thấy chị đi làm bằng xe bus quá bất tiện. 

Đến hiện tại thì nhà trường thông báo với chị Tuyết là đầu tháng 3 sẽ đi làm lại, vừa vui vừa lo, chị Tuyết cho biết: "Tình hình dịch còn đang bùng phát nên tôi không biết có phải bị dời nữa không. Nếu tình hình kéo dài, tôi chắc xin nghỉ dạy nộp hồ sơ làm công nhân để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình. Về lâu dài cứ phụ thuộc hết vào lương của chồng thì không đủ".

Giáo viên mầm non khóc nghẹn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 10
Nếu phải từ bỏ công việc làm giáo viên thì thật chua chát đối với chị Tuyết.

Chị Tuyết cho biết, nghề giáo viên mầm non là mơ ước của chị từ nhỏ. Hơn 10 năm qua chị luôn chăm chút từng chút để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu phải chuyển nghề đi làm công nhân với chị thật cay đắng. Tuy vậy, để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình, để nuôi con chị sẽ làm tất cả. 

Trao đổi với PV Dân Trí, bà Lâm Quế Hạnh (đại diện cơ sở mầm non Q.M) cho biết gia đình cô Tuyết có hoàn cảnh khá khó khăn. Thời gian qua, nhà trường cũng luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cô Tuyết ổn định cuộc sống. Thời gian tới, cơ sở cũng sẽ xem xét hỗ trợ để cô Tuyết có cuộc sống tốt hơn. 

Hiện, cơ sở mầm non Q.M có 5 giáo viên và 25 trẻ. Thời gian qua, cơ sở luôn thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Dù cho học sinh nghỉ học nhưng cơ sở vẫn đảm bảo tiền lương cơ bản cho giáo viên. 

Thời gian qua, một số giáo viên đã xin nghỉ để chuyển sang công việc khác. Hiện, cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành, quản lý. Dự kiến đầu tháng 3/2021, cơ sở sẽ hoạt động trở lại sau khi có chỉ đạo từ UBND TPHCM. 

Vào dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, mặc dù nhà trường gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả đủ lương tháng 1 cho giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng thưởng Tết cho mỗi giáo viên 1,5 triệu đồng.