Đầu năm đi làm, sếp thảm thiết: "Hết tết rồi, cả nhà ơi!"
(Dân trí) - Sáng đầu tuần và là ngày thứ 4 đi làm lại sau Tết, anh Quang gửi thông tin vào group nội bộ: "Thông báo đến cả nhà tin cực kỳ quan trọng.... Hết tết rồi cả nhà ơi!".
Đến 7h30 sáng ngày đầu tuần, anh Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc chuyên môn một công ty quảng cáo ở Phú Nhuận, TPHCM chỉ mới nhận được báo cáo ngày, báo cáo tuần của 4 nhân viên.
Trong khi công ty có gần 20 người và theo quy định, mọi người phải hoàn thành báo cáo tuần muộn nhật là 10 giờ đêm chủ nhật.
Biết mới đầu tuần, đầu năm đã phải nhắc nhở, lôi ra việc xử phạt thì mất vui, anh đành phải viết vài dòng "tâm thư" vào trang nội bộ, đầy tha thiết: "Thông báo đến cả nhà tin cực kỳ quan trọng.... Hết tết rồi cả nhà ơi!".
Anh Quang bày tỏ, tuần vừa rồi đi làm lại, công ty đã gặp mặt, lì xì, cam kết một năm mới cần sự nỗ lực, chăm chỉ hơn của tất cả mọi người.
Nhưng như "đến hẹn lại lên", tâm trạng sau kỳ nghỉ Tết dài, nhiều người vẫn còn... lâng lâng. Đầu năm vẫn còn nặng việc gặp gỡ, hỏi han, chưa thật sự nghiêm túc thả hết mình vào công việc.
"Tinh thần làm việc những ngày đầu sau Tết năm nay có vẻ uể oải do ảnh hưởng của dịch, con nhỏ chưa đi học lại nên nhiều phụ huynh vẫn còn rất tích cực ăn Tết", anh Quang thở dài.
Nhưng anh cũng nhìn tích cực là năm nay, do dịch nên mọi người bớt lễ lạt, chùa chiền, lễ hội nên hy vọng sau đó, nhân viên sẽ bắt nhịp lại nhanh hơn.
Tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, hết tháng Giêng mới hết tết ăn sâu trong nhiều người Việt. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường làm việc ở công ty, công sở sau Tết.
Có tiếng là một công ty trẻ với những nhân sự đầy năng động, nhưng anh Nguyễn Đức Trung, giám đốc một công ty phần mềm ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết, đầu năm nhân viên của mình cũng đang... rã đám.
Một vài người vẫn còn xin phép chưa quay trở lại làm việc, một số người có con nhỏ kẹt con chưa đi học nên vừa đi làm vừa phải lo cho con. Số đông người đi làm lại thì tâm trí vẫn lửng lơ hậu Tết.
Anh cũng nhắc nhở, giao nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng bộ phận, nhân sự để mọi người biết việc để làm. Tuy nhiên, cũng không quá căng thẳng với mọi người. Công ty cũng mới làm lễ khai trường hồng phát đầu năm, nên cũng không thể yêu cầu mọi người "nhập tâm, nhập hồn" được ngay tức khắc.
Một năm cần dốc sức lực để không đi lùi
Chị Lê Thị Thanh, quản lý công ty về kiến trúc nội thất cho biết, mình không bị áp lực với tinh thần làm việc đầu năm của nhân viên. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, chị đã dự phòng vấn đề này và khắc phục bằng cách, chuẩn bị rất nhiều dự án, hợp đồng.
Đầu năm chị tung ra ngay, giao việc, giao nhiệm vụ cụ thể. Cứ việc ngập đầu thì không ai bê trễ được. Các nề nếp, thói quen, họp hành trong năm chị thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu, không tổ chức việc liên hoan, ăn uống, chúc tụng trong công ty.
Tuy nhiên, theo chị khó khăn trong việc quản lý nhân sự thì có vô vàn. Với chị là nhiều nhân viên "lờn thuốc", thấy sếp hiền thì hay thế này thế kia. Nhân sự "nhảy việc" cũng là khó khăn của rất nhiều nơi.
Xác định một năm kinh tế vô cùng khó khăn do dịch bệnh, anh Nguyễn Văn Quang bày tỏ, tinh thần, trách nhiệm làm việc của nhân viên là điều rất quan trọng. Đòi hỏi từng người một phải làm việc hết lòng, hết công suất... Lúc này người nào, nơi nào trì trệ, ì ạch nghĩa là đi lùi, là thua.
Công ty anh phải linh hoạt đưa vào nhiều hình thức về lương thưởng, kỷ luật nghiêm để vừa khích lệ nhưng cũng có cả răn đê tinh thần làm việc của nhân viên.
Tuy những ngày sau Tết, cũng chưa sếp nào nỡ "nặng tay" nhưng nhân sự nào tinh thần làm việc tốt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Anh Nguyễn Phước Quốc, giám đốc một Công ty truyền thông tại TPHCM chia sẻ với nhân viên về năm 2020 đây khó khăn: "Năm 2021 cũng thực sự là một năm rất thử thách với các startup như mình. Để có thể đứng vững buộc chúng ta phải đồng lòng, đoàn kết và chiến đấu hết sức".
Theo anh Quốc, ở lĩnh vực nào cũng đòi hỏi mọi người phải phấn đấu mục tiêu dốc sức 200% so với năm rồi thì mới có hái được "quả ngọt".