1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An:

Gian nan tìm việc làm cho lao động nông thôn

N.P

(Dân trí) - Trên địa bàn huyện nghèo Thanh Chương (Nghệ An) số lao động nông thôn hiện nay vẫn dư thừa. Vì vậy, để tìm việc làm cho số lao động này vẫn là bài toán nan giải.

Trước tình hình đó được sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể, từ huyện đến cơ sở mới chỉ phần nào giải quyết được số ít lao động, nâng cao thu nhập và tương đối ổn định cuộc sống.

Chị Phan Thị Chung, thôn Thủy Hòa, xã Thanh Thủy là một trong hàng chục lao động nông thôn trên địa bàn được tham gia vào một lớp học, dạy cắt may mới đây do một nhà máy mới được đưa về địa phương.

Từ trước đến nay gia đình chị chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nước và hơn 1ha rừng trồng keo. Ngoài sản xuất nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi chị lại đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nhưng đời sống gia đình đang hết sức khó khăn.

Gian nan tìm việc làm cho lao động nông thôn - 1

Một số công nhân may đã qua đào tạo và làm việc tại nhà máy may ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương.

Đánh giá về lớp học, chị cho biết: "Tuy nhiên, nay được nhận vào lớp học cắt may mong muốn sắp tới sẽ được tuyển dụng vào nhà máy cũng thấy phấn khởi. Chỉ mong được làm một công việc nó ổn định, có thu nhập cao cao để gia đình đỡ vất vả hơn trong cuộc sống". 

Xã Thanh Thủy hiện có 4 thôn với trên 1.150 hộ với gần 6.000 nhân khẩu, trong đó lao động trong độ tuổi là 2.700 lao động và có khoảng 300 lao động chưa có việc làm ổn định. 

Là một xã miền núi cao, số lao động nông thôn trong độ tuổi vẫn còn dư thừa nhiều. Chính vì vậy việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Thanh Thủy là hết sức cần thiết. 

Trước nhu cầu thiết thực của người dân trên địa bàn, trong thời gian qua được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, các ban ngành đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, nên bước đầu đã phần nào tạo cơ hội học nghề để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn. 

Gian nan tìm việc làm cho lao động nông thôn - 2

Các học viên đang học lớp cắt may tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương.

Ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, Thanh Chương cho biết: Trong thời gian qua nhiều chị em muốn học may mà chưa được học. Đợt này xã tổ chức học may nên đa số chị em rất phấn khởi và sẽ có việc làm ổn tạo thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. 

Thanh Chương là huyện miền núi nghèo với 38 xã thị trấn, dân số trên 27 vạn người. Trong những năm qua đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi, buôn bán dịch vụ, nên đời sống của bà con nông dân đa số vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 

Để từng bước tạo nguồn thu nhập ổn định đời sống của nhân dân. Trong những năm qua huyện Thanh Chương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Gian nan tìm việc làm cho lao động nông thôn - 3

Một lớp học nghề được huyện Thanh Chương đào tạo cho lao động nông thôn.

Trong đó, có một nhà máy may đóng chân tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương thu hút hơn 2.000 lao động địa phương vào làm việc tại đây, đã phần nào tạo công ăn việc cho người lao động dôi dư ở địa phương này. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều xã trên địa bàn huyện dôi dư lao động nông thôn rất nhiều.

Thực hiện đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020. 

Trong thời gian qua UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH cùng với các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, trong đó có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với Trung tâm, dạy nghề trong và ngoài tỉnh, làm tốt công tác tuyển sinh, danh mục nghề đào tạo, đối tượng và thời gian đào tạo. 

Đồng thời quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo tốt nhất cho công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao. Huyện sẽ phấn đấu mỗi năm đào tạo được trên 4.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo nghề được cấp chứng chỉ dự kiến có khoảng 2.000 lao động. Lao động thông qua chương trình tập huấn nâng cao chất lượng việc làm là khoảng 3.000 lao động. Phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%. 

Gian nan tìm việc làm cho lao động nông thôn - 4

Vấn đề việc làm ổn định, thu nhập khá đối với lao động nông thôn hiện nay tại huyện Thanh Chương vẫn còn nhiều bất cập, gian nan.

Ông Nguyễn Văn Hòe - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương chia sẻ: Trong thời gian tới Phòng LĐTB&XH phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tiếp tục đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập. 

"Tập trung xuất khẩu lao động ở những nước có thu nhập khá. Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Những năm tiếp theo, bám sát chỉ đạo của huyện, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này. 

Trong đó, triển khai đồng bộ các chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm; chú trọng nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, tập trung vào các thị trường ổn định, cho thu nhập cao", ông Nguyễn Văn Hòe cho biết. 

Ông Nguyễn Văn Hòe cho biết thêm: "Bên cạnh đó chúng tôi sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm giai đoạn 2020-2025".