Giám định viên bảo hiểm ô tô: Nghề của người đi giữa những "lằn ranh"
(Dân trí) - Người giám định viên, đặc biệt là mảng ô tô, phải có tinh thần "thép" trước sức ép của khách hàng. Họ cũng phải kiên nhẫn, mềm dẻo để thuyết phục khách hàng tuân thủ theo quy định của hợp đồng ký kết.
Luôn có mặt 24/24h
Anh Phạm Hoài Đức (trú tại Long Biên, Hà Nội) đã có 12 năm trong nghề giám định, bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tại một công ty dịch vụ bảo hiểm ở Hà Nội.
Theo anh Phạm Hoài Đức, nghề giám định không có nhiều "màu hồng" như mọi người vẫn nghĩ. Đây là công việc đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ của những người làm nghề.
"Khi một hợp đồng bảo hiểm được ký kết, cũng là lúc trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc chi trả quyền lợi bảo hiểm giữa công ty bảo hiểm và khách hàng được hình thành. Quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm này có thành công hay không, lại phụ thuộc rất lớn vào công tác giám định" - anh Phạm Hoài Đức nói.
"Đến với nghề này, tôi xác định không có ngày nghỉ, trừ những hôm ốm đau hay gia đình có công việc. Còn đâu, chúng tôi sẵn sàng làm việc tất cả các ngày trong năm, dù là mưa bão hay lễ, Tết, đêm hay ngày. Cứ khi nào khách hàng gặp nạn là chúng tôi sẽ cố gắng đến sớm nhất có thể" - anh Phạm Hoài Đức chia sẻ.
Anh Phạm Hoài Đức cho rằng, để có thể giám định được mức độ tổn hại của chiếc xe, phải thật sự am hiểu từng cấu tạo và bộ phận xe. Nhiều khách hàng để trục lợi bảo hiểm sẵn sàng tạo ra những hiện trường giả, đánh lừa chuyên viên giám định.
Công việc chính của anh Đức là trực tiếp xuống hiện trường ghi nhận một cách khoa học và trung thực nguyên nhân, mức độ thiệt hại của xe ô tô và lập hồ sơ và bồi thường cho khách hàng.
Đối mặt với không ít cám dỗ và sức ép từ nhiều phía, nghề của họ đòi hỏi sự khách quan và trung thực. Bởi vậy, đòi hỏi cao nhất của họ là chính là đi giữa và không lấn vào các "lằn ranh".
"Có lần, nhận được cuộc gọi báo khách hàng gặp tai nạn lúc 2 giờ sáng, tôi tức tốc lấy xe đến điểm được báo cách nhà 7km, sau khi quan sát hiện trường, chiếc xe đâm vào một cột mốc khiến phần đầu bẹp dúm. Tuy nhiên không có vết sơn dính vào cột cũng không có những mảnh vỡ xung quanh, tôi đã chứng minh cho khách đến sáng để khách thừa nhận việc dựng hiện trường giả, tất nhiên việc bồi thường sẽ không xảy ra" - anh Phạm Hoài Đức Tâm sự.
Hơn 12 năm làm nghề, trung bình mỗi tháng anh xử lý 10 - 15 hồ sơ giám định đem lại cho anh thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. Cũng không ít lần, anh Phạm Hoài Đức gặp phải tình huống dở khóc dở cười như khách hàng vì uống rượu tham gia giao thông nên bỏ xe lại, hay trên xe có người đã tử vong do tai nạn.
Những trường hợp này, anh sẽ chờ kết quả kết luận của công an sau đó mới lập hồ sơ giám định.
"Tháng trước, tôi xử lý một trường hợp khách hàng đâm đổ bức tường của một xí nghiệp rồi bỏ trốn vì sợ phải đền bù bức tường. Một tuần sau, khách đem xe đến để đấy rồi yêu cầu giám định, bồi thường. Thấy chiếc xe sạch sẽ không có tí bụi nào tôi nghi ngờ rồi tìm hỏi thì được biết bức tường bị đâm đổ đã 6 hôm. Công ty cũng đang tìm người đâm đổ để bắt đền. Theo quy định trường hợp này chúng tôi sẽ không đền bù vì khách báo giám định muộn" - anh Phạm Hoài Đức chia sẻ.
Nghề nguy hiểm
Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ ô tô, có kinh nghiệm 3 năm làm giám định cho một công ty bảo hiểm có địa chỉ tại Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Long cho rằng, có vô vàn cách mà khách hàng sử dụng để đánh lừa chuyên viên giám định.
Theo kinh nghiệm của anh, mọi thứ có ở hiện trường đều có thể nói nên sự việc như đám cỏ bị đè bẹp hay, bụi, sơn dính trên xe, thậm chí là những người dân sống xung quanh.
"Ngoài việc đánh giá sao cho chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại, chúng tôi luôn phải gặp khách hàng trong tình trạng không vui vẻ, vì đang tai nạn thì vui làm sao được. Việc xảy cãi vã là không thể tránh khỏi, nhiều khách hàng nóng tính không ngần ngại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khi nhận được kết quả giám định bất lợi" - anh Nguyễn Văn Long tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Long cho rằng, bí quyết để làm nghề giám định là vừa phải có tinh thần "thép" để vững vàng trước những sức ép rất lớn của khách hàng, lại vừa phải kiên nhẫn và mềm dẻo, để thuyết phục khách hàng tuân thủ theo đúng quy định của hợp đồng ký kết. Ngoài ra, không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức về xe.
Trung bình mỗi tháng anh thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng, thu nhập ít ỏi tuy nhiên anh luôn bỏ ngoài tai những lời đề nghị "chia" phần trăm số tiền đền bù cho những chiếc xe nằm ngoài phạm vi bảo hiểm chi trả.
"Bộ hồ sơ khiến tôi mất nhiều thời gian và công sức nhất là, một chiến xe hạng sang do khách hàng điều khiển bị lao lên vỉa hè. Tai nạn đơn giản, với những chi tiết hỏng hóc nhỏ nhưng số tiền của bên sửa chữa báo lên đến 1,8 tỷ đồng. Tôi phải nghiên cứu từng chi tiết, tham khảo giá thành thay thế rồi giải trình nhiều lần sếp mới ký vào biên bản bồi thường" - anh Nguyễn Văn Long tâm sự.
Theo anh Hoàng Đức Trọng, chuyên viên giám định, bồi thường của một công ty nằm trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân, nhất là những hôm trời mưa bão, ngập lụt. Có lần, Hà Nội ngập lụt tôi cùng 6 anh em cùng phòng dầm mình trong mưa bão từ chiều đến tận đêm muộn, cứ làm hết xe này đến xe khác".
Với kinh nghiệm 5 năm làm nghề, Anh Hoàng Đức Trọng cho rằng, thời tiết càng nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao thì cũng là thời điểm mà các giám định viên phải đi giám định nhiều nhất.
Kết quả giám định là cơ sở để các doanh nghiệp tiến hành chi trả bồi thường đồng thời hạn chế trục lợi bảo hiểm, nên giám định viên phải rất cẩn trọng trong từng hoạt động của mình nếu không muốn bị trừ lương.
Công việc vất vả, nhưng thu nhập của nghề này được tính theo số lượng hồ sơ giám định được, yêu cầu người làm nghề như anh không ngừng cố gắng mỗi ngày.
"Những tháng cách ly xã hội, ít hồ sơ xử lý, thu nhập của tôi chỉ được hơn 6 triệu đồng. Những tháng nhiều việc có thể được 20 triệu đồng" - anh Hoàng Đức Trọng chia sẻ.
Anh Hoàng Đức Trọng tâm sự: "Làm nghề này, tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Mỗi một trường hợp lại đòi hỏi kỹ năng giải quyết mềm mỏng, cứng rắn khác nhau nên cũng rèn giũa được tính cách của chính mình. Tôi tin rằng, với những người có đạo đức tốt, có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao thì nghề này không khó".
Anh cho rằng, người làm nghề giám định vừa phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng cũng phải bảo vệ công ty nên làm nghề phải thật chính xác, bất kể một sai sót nhỏ cũng không thể để xảy ra.