Gần 550.000 lao động bị cắt giảm giờ làm
(Dân trí) - Theo đại diện công đoàn Việt Nam, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, có hơn 546.835 lao động bị giảm giờ làm do gần 1.300 doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng.
Thông tin trên được đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 diễn ra sáng 24/2.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết, từ tháng 9/2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, nhiều doanh nghiệp ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc.
Theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng, hơn 546.835 lao động bị giảm giờ làm.
Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người.
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang...
Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động (bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người); đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; hơn 5.493 lao động chưa được giải quyết tiền lương với số tiền 56,45 tỷ đồng.
So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ tiền lương của 8.300 người lao động với số tiền 79,39 tỷ đồng, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
Trước bối cảnh đó, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch số 266/KH-TLĐ chỉ đạo tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân gắn kết", phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai 10 hoạt động chính, sử dụng nguồn tài chính công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức chăm lo cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt).
Bên cạnh đó, tổ chức 22 Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2023" tại 22 tỉnh, thành phố có đông người lao động, nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số, ở khu vực trung du, miền núi, biên giới.
Tại mỗi Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2023", có từ 40 - 120 gian hàng để giới thiệu, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa với giá ưu đãi giảm giá từ 15% đến 70%, gian hàng 0 đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, ngày 16/1, công đoàn Việt Nam đã ban hành gói hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với người lao động là đoàn viên công đoàn và từ 700 ngàn đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.