Nỗ lực đưa thị trường lao động "vượt bão" khó khăn

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trong bối cảnh hết sức đặc biệt giai đoạn cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

Báo cáo Chính phủ về tình hình lao động việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 11 tháng đầu năm 2022, tình hình thị trường lao động chung cả nước đã có sự phục hồi tương đối khả quan.

So với cùng kỳ 2021, lực lượng lao động 9 tháng đầu năm 2022 đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người. Số lao động có việc làm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người.

Thu nhập của người lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 (trong đó thu nhập của người làm công hưởng lương đạt 7,6 triệu đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Nỗ lực đưa thị trường lao động vượt bão khó khăn - 1

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm, 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64% so với cùng kỳ 2021. Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, nhu cầu tuyển dụng lao động mới những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 tăng khoảng 377,7 nghìn người.

Bên cạnh mặt tích cực, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 2022 là một năm đầy những biến động khó khăn, thách thức, đặc biệt 3 tháng cuối năm. Tác động của đại dịch Covid-19, biến động chiến sự trên thế giới đã ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong nước, nhiều doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, địa bàn gặp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng, phải cắt giảm việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động.

Tổng hợp báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm, tập trung ở các ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ...

Khó khăn kể trên kéo theo 637.491 người lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số bị mất việc là 53.674 người, chiếm 8,4%; số bị giảm giờ làm trên 359.087 người (chiếm 56,3%); tạm ngừng việc có trả lương là 22.679 người (chiếm 4%), 35.081 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động (chiếm 5,5%).

Trước những khó khăn rất lớn, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Các doanh nghiệp khi bị cắt giảm đơn hàng đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để xoay sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động (sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu mặt hàng, tìm kiếm thị trường thay thế...), cố gắng hạn chế thấp nhất việc sa thải lao động.

Số doanh nghiệp không thể duy trì được toàn bộ lao động đã có phương án sắp xếp, bố trí lại lao động, giãn việc, giảm giờ làm. Trường hợp bắt buộc phải cắt giảm lao động, các doanh nghiệp đều có phương án giải quyết chế độ đối với người lao động theo quy định pháp luật.

Về phía tổ chức công đoàn, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động tuyên truyền, vận động người lao động chung tay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Song song với đó là đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Giới thiệu việc làm mới cho người lao động bị mất việc làm, tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người bị mất việc làm, người gặp khó khăn trong dịp Tết.

Về phía cơ quan lao động địa phương, ngoài việc tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động, các cơ quan lao động địa phương cũng đã chủ động nắm bắt tình hình ở một số địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động…

Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người mất việc làm.

Phối hợp với tổ chức công đoàn hỗ trợ các bên đối thoại, chia sẻ khó khăn, giải quyết những bất đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.