Gần 27.000 lao động ở Sơn La ra tỉnh ngoài làm thuê
Dù luôn chú trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhưng vẫn có khoảng gần 27.000 người đi các nơi khác làm việc.
Mặc dù tỉnh Sơn La luôn chú trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, song số lao động của tỉnh này về xuôi làm thuê vẫn rất lớn, khoảng gần 27 nghìn người.
Trong số này, một phần đi làm là nhờ sự kết nối của địa phương với các khu công nghiệp thuộc các tỉnh dưới miền xuôi; một phần là do người lao động tự liên hệ tìm kiếm việc làm cho mình.
Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết, xuất phát từ nhu cầu việc làm và thu nhập mà Sơn La có nhiều người ra tỉnh ngoài làm thuê như vậy.
Hiện nay, việc làm tại chỗ ở Sơn La rất hạn chế, do trên địa bàn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp. Một số nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động thì chỉ sử dụng rất ít lao động do quy mô nhỏ.
Vì vậy, buộc người lao động ở địa phương phải ra ngoài tỉnh tìm kiếm việc làm để có thu nhập.
Theo ông Du, việc lao động ra tỉnh ngoài làm thuê, ngoài hiệu quả về kinh tế, còn nảy sinh một số vấn đề về xã hội. Làm thế nào để giải quyết hài hòa cả 2 yếu tố này là trăn trở của các cấp, các ngành ở Sơn La hiện nay.
"Trong một gia đình có chồng đi làm dưới miền xuôi, còn 1 người ở nhà thì vấn đề về ly hôn trong thời gian qua có xu hướng tăng. Nếu cả 2 vợ chồng cùng đi thì con cái lại bỏ bê cho ông bà ở nhà. Có những thời điểm, những địa bàn khi chúng tôi xuống chỉ thấy người cao tuổi và trẻ em ở nhà, lao động chính đi làm thuê dưới xuôi hết; việc học hành của con cái họ nhiều khi rất bê trễ. Đây là điều mà cấp ủy chính quyền và các ngành các cấp phải thực sự quan tâm, làm sao hạn chế được mặt trái của vấn đề này", ông Du cho hay.
Theo Thu Thùy/VOV-Tây Bắc