Quá tải người lao động mất việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người lao động mất việc làm đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải.
Hơn 9.100 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, trong quý 1/2020, đơn vị này đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.298 người lao động bị mất việc làm. Trong khi đó, trong quý 1/2019, con số này là 2.449 người.
Tiếp đó, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, Trung tâm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 5.804 người lao động bị mất việc làm (cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 2020 người).
Đến thời điểm này, hơn 9.100 lao động mất việc làm đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm đã thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 7.100 lao động.
Qua tìm hiểu, những người đến Trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dệt may, giày da (chiếm khoảng 70%). Ngoài ra, còn có lao động ở các lĩnh vực khác như điện tử, du lịch và cơ khí.
Mặc dù số lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, có những thời điểm quá tải, nhưng Trung tâm đã bố trí cán bộ làm thêm thời gian để cố gắng giải quyết hết trong ngày cho người lao động.
Chị Lê Thị Huệ, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Lễ Môn (Thành phố Thanh Hóa) cho biết, sau khi sinh xong, con còn nhỏ không ai trông. Chị đành xin nghỉ làm luôn.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chị đã đến Trung tâm để nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Phạm Văn Viện, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tình hình lao động đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng. Đặc biệt là trong thời gian từ tháng 3, tháng 4 và tháng 5, lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến".
Trong tình hình trên, Trung tâm dịch vụ việc làm đã lên kế hoạch chuẩn bị và phân công cán bộ để thực hiện giải quyết các hồ sơ cho người lao động kịp thời.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5/2020, Trung tâm đã cho phép người lao động nộp hồ sơ qua bưu điện, qua hộp thư điện tử…
Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay, số lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, có ngày lên đến 800 - 900 người.
Sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, các văn phòng của Trung tâm ở các địa phương đã hoạt động trở lại và đón tiếp rất đông lao động. Có những văn phòng mỗi ngày tiếp nhận 80 - 90 hồ sơ mới.
“Trung tâm giải quyết kịp thời cho người lao động, không để ách tắc hồ sơ. Không chỉ giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm còn tích cực tư vấn cho người lao động chuyển đổi việc làm, thu thập các thông tin về vị trí việc làm trống để cung cấp cho người lao động có cơ hội tiếp cận”, ông Viện cho biết.
Khởi động lại sàn giao dịch việc làm
Từ đầu năm đến nay, thông qua nhiều hình thức, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã cung ứng thị trường lao động cho 14.700 lượt người. Số doanh nghiệp cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động là 810 doanh nghiệp.
Qua khảo sát của Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là gần 15.000 người. Trong đó, hơn 7.200 lao động làm việc trong tỉnh, gần 5.000 lao động làm việc ngoại tỉnh và hơn 2.700 lao động làm việc ở nước ngoài.
Đối với hoạt động của sàn giao dịch việc làm, trong quý I, Trung tâm đã tổ chức được 1 phiên giao dịch việc làm online kết nối 6 tỉnh, thành phố và 2 phiên tại Trung tâm trong tháng 1/2020. Đã có 47 lượt doanh nghiệp tham gia và đã kết nối làm việc thành công cho hơn 200 người.
Từ tháng 2 đến cuối tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm đã hoãn các hoạt động tổ chức sàn giao dịch việc làm, các hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm tại cộng đồng.
Bắt đầu từ tháng 5, sàn giao dịch việc làm đã được khởi động lại. Trung tâm đã tổ chức 1 sàn giao dịch cố định với khoảng 10 doanh nghiệp và 600 lao động tham gia. Riêng sàn lưu động dự kiến bắt đầu tổ chức lại từ tháng 6/2020.
Trong tháng 6, Trung tâm dự kiến cung ứng thị trường lao động cho khoảng 6.400 lượt người; cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển mới lao động khoảng 250 doanh nghiệp.
Duy Tuyên