Gác Tết, nông dân trắng đêm canh nước tưới cà phê

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Những ngày sau Tết Nguyên đán, nông dân Gia Lai dồn lực, tập trung canh nước để tưới cà phê. Dự báo năm nay hạn hán nặng nên nhiều gia đình vừa tưới vừa lo khoan giếng, tích nước.

Gác lại những ngày Tết vui vầy, nông dân tại Gia Lai tất bật trở lại vườn để chăm sóc và tưới nước cho cà phê.

Các hộ trồng vườn cho biết, sau khoảng một tháng thu hoạch, việc tưới nước kịp thời là rất quan trọng để cây cà phê ra hoa đúng thời điểm. Nếu tưới muộn, cây có thể bị suy kiệt, rụng lá, khô cành và giảm năng suất.

Gác Tết, nông dân trắng đêm canh nước tưới cà phê - 1
Những năm gần đây, lượng mưa ít khiến nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị chết do hạn hán (Ảnh: Chí Anh).

Trước và sau Tết Nguyên đán, anh Trần Xuân Hường, một nông dân tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, đã lo nước tưới cho hơn 3ha cà phê của mình. Anh nhắc lại kinh nghiệp năm 2024, tình trạng hạn hán nghiêm trọng, gia đình đã phải đầu tư gần 80 triệu đồng khoan thêm hai giếng nhằm tích trữ nước tưới.

Anh Hường cho biết, năm 2024, mưa ít và hạn hán kéo dài khiến nhiều vườn cà phê bị chết khô. Năm nay, anh quyết định tưới đẫm cho vườn cà phê ngay từ đầu năm.

Vừa tưới nước đợt đầu tiên, anh đã nhận thấy một số ao, hồ, suối cạn kiệt hơn so với mọi năm. Với hơn 3ha cà phê, anh phải kết hợp, lấy nước từ hồ thủy lợi và giếng khoan mới đủ tưới. 2025 là năm nhuận (có hai tháng 6 Âm lịch), người nhà nông cho rằng tình trạng hạn hán sẽ kéo dài.

Ông Trần Đức Huyền, một nông dân khác tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, cùng vợ trắng đêm để canh nước, tưới cà phê. Để tiết kiệm nước, ông Huyền áp dụng phương pháp tưới béc, phun mưa tự động cho vườn cà phê. Những khu vực  nước phun không tới, ông dùng ống bổ sung.

Gác Tết, nông dân trắng đêm canh nước tưới cà phê - 2

Vừa tưới nước giữ ẩm vườn các nông hộ vừa lo khoan giếng, nạo vét ao hồ để tích nước cho mùa hạn sắp tới (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông Huyền, trước Tết Nguyên đán, gia đình đã tưới một lần cho vườn cà phê rộng hơn 3ha. Ngay sau Tết, ông vội tưới đợt hai để cây có sức ra hoa, bung đọt đúng thời điểm. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn năng suất cà phê niên vụ tới.

"Nhiều nông dân trên địa bàn đang đồng loạt tưới cà phê nên tình trạng thiếu nước xảy ra cục bộ. Chính vì vậy, các hộ phải phân lịch, luân phiên tưới nước. Dự báo năm nay hạn hán sẽ xảy ra nặng nề nên tôi đã nạo vét ao, hồ để tích nước", ông Huyền chia sẻ.

Mỗi năm, nông dân ở Gia Lai thường tưới khoảng ba đợt cho cây cà phê. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, trời nắng nóng kéo dài khiến bà con phải tưới đến đợt thứ năm. Năm 2024, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn bị chết khô do hạn hán diễn ra khắc nghiệt, các ao hồ, sông, suối cạn trơ đáy.

Gác Tết, nông dân trắng đêm canh nước tưới cà phê - 3

Chính quyền đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước (Ảnh: Chí Anh).

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, cho biết, huyện có hơn 18.000ha cà phê. Đến nay, lượng nước vẫn đủ phục vụ cho nhu cầu tưới cà phê của các nhà vườn trên địa bàn.

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho những tháng tới, huyện đã có văn bản gửi đến các xã, thị trấn kiểm tra lại ao, hồ, đập thủy lợi để có phương án tích nước; tuyên truyền để nông dân áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước. Người dân được khuyến cáo bón phân hợp lý, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây cà phê trong quá trình tưới.