Cà phê tăng giá, hành động của nông dân khiến doanh nghiệp "đau đầu"

Minh Hậu

(Dân trí) - Giá cà phê tăng cao, thay vì bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến thì nông dân Lâm Đồng có xu hướng tích trữ nông sản.

Với 10ha cà phê, mùa vụ năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Đạt ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thu về khoảng 20 tấn nhân. Trong khi giá cà phê tăng cao chưa từng có, gia đình anh Đạt chỉ bán 2 tấn nhân để lấy tiền chi trả cho các khoản công nợ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công. Còn lại, gia đình sơ chế rồi cho vào kho lưu trữ.

Anh Đạt cho biết, đầu vụ năm 2023, gia đình chốt và bán toàn bộ cà phê cho đơn vị thu mua với mức giá trên 70.000 đồng/kg nhân.

Cà phê tăng giá, hành động của nông dân khiến doanh nghiệp đau đầu - 1

Nông dân Lâm Đồng bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2024 với niềm vui giá tăng cao (Ảnh: Minh Hậu).

"Cuối vụ, giá cà phê tăng cao và duy trì đà tăng liên tục trong suốt nhiều tháng nên tôi tiếc mãi. Vì chốt bán vội mà gia đình thiệt cả trăm triệu đồng", anh Hoàng Văn Đạt chia sẻ.

Theo anh Đạt, đầu vụ năm nay, giá cà phê nhân đạt mức 100.000 đồng/kg và đến nay đã tăng lên 130.000 đồng/kg. "Gia đình tôi đã giải quyết xong công nợ nên chưa vội bán. Toàn bộ cà nhân tôi chuyển vào kho lưu trữ, chờ thị trường lập đỉnh", anh Đạt nói.

Tương tự, sau thu hoạch, gia đình ông Nguyễn Văn Huy ở huyện Di Linh, Lâm Đồng cũng bán một phần cà phê để phục vụ nhu cầu công nợ. Phần còn lại, gia đình sơ chế, xát bỏ vỏ và lưu trữ nhân.

"Sau Tết Nguyên đán, người trồng cà phê chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn chăm sóc cho cây. Trong đó bao gồm cả việc tưới nước ở giai đoạn cuối mùa khô và bón phân ở đầu mùa mưa nên rất tốn kém. Phần nhân lưu trữ này sẽ được dùng để phục vụ cho việc chủ động vốn để đầu tư vườn thời gian tới", ông Huy chia sẻ.

Cà phê tăng giá, hành động của nông dân khiến doanh nghiệp đau đầu - 2

Giá cà phê nhân hiện đạt mức 130.000 đồng/kg (Ảnh: Minh Hậu).

Khác với sự "nhàn hạ" của nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp sơ chế, chế biến cà phê lại rơi vào thực trạng khó khăn khi cùng lúc phải đối diện nhiều vấn đề.

Ông Trần Mai Bình, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Linh Coffee (xã Tân Châu, huyện Di Linh) cho hay, mỗi năm, hợp tác xã cần khoảng 150-160 tấn cà phê tươi để đáp ứng nhu cầu chế biến. Tuy nhiên, đến nay, do nông dân tích trữ nông sản nên hợp tác xã chưa mua được cà phê tươi để phục vụ cho việc sản xuất.

"Những năm trước, giờ này chúng tôi thu nhận hàng chục tấn cà phê tươi nhưng năm nay chúng tôi chưa mua được kg cà phê nào. Chính việc không chủ động được nguồn nguyên liệu nên chúng tôi cũng không thể chốt hợp đồng với các đối tác khác. Năm nay, việc sản xuất, kinh doanh cà phê của chúng tôi giống như một canh bạc", ông Trần Mai Bình nói.

Cà phê tăng giá, hành động của nông dân khiến doanh nghiệp đau đầu - 3

Trong khi nông dân phấn khởi vì giá cà phê tăng cao thì doanh nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong phát triển thị trường (Ảnh: Minh Hậu).

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thọ, đại diện Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) cho hay, đơn vị tập trung vào chế biến cà phê robusta chất lượng cao, hữu cơ để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn hàng lớn nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty rất quan trọng.

Bà Thọ nói: "Chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với các hộ nông dân trong vùng với mức giá 35.000-40.000 đồng/kg cà tươi hữu cơ và đây là mức giá cao gấp đôi so với thị trường. Thời điểm này, một số nông hộ không bán cho công ty theo hợp đồng nên trước mắt chúng tôi phải tìm nguồn hàng khác để bù sản lượng".

Cũng theo bà Thọ, hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên công ty phải đàm phán với đối tác để nâng giá sản phẩm. Tuy nhiên, việc tăng giá vẫn chưa được đối tác phản hồi.

Tổng diện tích cà phê của tỉnh Lâm Đồng hiện nay là trên 176.000ha, với tổng sản lượng trên 572.000 tấn.

Năm 2023, Lâm Đồng đã xuất khẩu trên 70.000 tấn cà phê nhân sang các thị trường như Italia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hà Lan… với tổng giá trị khoảng 155 triệu USD.