1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sinh viên ngành khách sạn đi làm... bảo vệ vì Covid-19

Xuân Hinh Như Phương

(Dân trí) - Hơn 1 năm sau khi ra trường, Thanh vẫn chưa thể tìm được việc quản lý khách sạn như mong muốn. Để mưu sinh, Thanh và nhiều sinh viên phải đi làm bảo vệ, bán hàng siêu thị, nhân viên nội thất...

Sinh viên ngành khách sạn đi làm... bảo vệ vì Covid-19 - 1

Các khu vui chơi, khu du lịch ở TPHCM vắng lặng khi dịch Covid-19 bùng phát (Ảnh Phạm Nguyễn).

Ước mơ xa dần

Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa hoặc làm việc cầm chừng vì "ế" khách. Do vậy, hàng ngàn sinh viên ngành quản lý nhà hàng khách sạn ra trường trong 2 năm qua gần như thất nghiệp.

Theo bạn Trần Quang Huy (24 tuổi, quê Bình Thuận), đây thực sự là sự khủng hoảng tinh thần sau 2 năm ra trường. Chuỗi ngày chưa xin được việc theo mong muốn khiến Huy khá lo lắng cho tương lai.

"Em học ngành quản trị khách sạn và mong muốn được làm trong một khách sạn hoặc nhà hàng từ 4 sao trở lên. Khi còn học năm 3, một số khách sạn đã có ý muốn tuyển dụng em. Nhưng giờ dịch Covid-19 bùng phát, mọi kế hoạch nhân sự của họ đều phải bỏ dở", Huy buồn rầu cho biết.

Sinh viên ngành khách sạn đi làm... bảo vệ vì Covid-19 - 2
Nhiều sinh viên tỏ ra hoang mang khi gần 2 năm chưa xin được việc làm.

Tới nay, Huy đã nộp hàng chục bộ hồ sơ tại các nhà hàng, khách sạn ở TPHCM, Vũng Tàu... nhưng đều không nhận được hồi đáp. Hàng loạt hồ sơ được Huy đăng tải trên mạng cũng không có phản hồi.

"Em cảm giác như ước mơ làm trong nhà hàng, khách sạn cứ dần xa vời. Bạn bè khuyên em nên học thêm 1 ngành khác để dễ xin việc hơn. Nhưng đam mê của em là nhà hàng, khách sạn nên khó có thể học ngành khác", Huy tâm sự.

Cùng tâm trạng như Huy, thời gian qua đối với Thục Anh thật "khủng khiếp". Là học sinh giỏi của ngành quản trị khách sạn ở TPHCM, Thục Anh chưa khi nào nghĩ phải thất nghiệp thời gian dài như vậy.

"Lúc trước em có làm thêm ở một khách sạn 4 sao ở TPHCM. Dù lương không cao nhưng đây là công việc em mơ ước nên em rất yêu thích. Khi em vừa ra trường là dịch Covid-19 bùng phát, khách sạn cho em nghỉ việc đến bây giờ. Hai năm qua, em xin việc ở hàng chục nơi nhưng không ai nhận", Thục Anh cho hay.

Sinh viên ngành khách sạn đi làm... bảo vệ vì Covid-19 - 3
Thanh chấp nhận làm thêm ngày đêm để có mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

"Cày ngày cày đêm" để tăng thu nhập

Không ngồi than thở như Huy và Thục Anh, 2 năm qua nhiều sinh viên ngành quản trị khách sạn đã phải làm trái ngành để trang trải cuộc sống. Theo Phạm Thụy Giang Thanh (quê Đắk Lắk), mọi kế hoạch tương lai bị thay đổi 100% sau khi tốt nghiệp vì dịch Covid-19. Tuy vậy, Thanh vẫn cảm thấy may mắn vì đã hoàn thành thực tập để ra trường đúng theo dự định.

"Khách sạn, nhà hàng đều đóng cửa hết rồi, nếu còn mở cửa họ cũng không tuyển nhân viên mới nữa. Mình kịp thực tập trước khi dịch đến là đã rất may mắn. Nhiều bạn còn chưa thể hoàn thành thực tập nên chưa thể ra trường" - bạn Thanh chia sẻ.

Vì không xin được việc như mong muốn, Thanh xin đi làm nhân viên bán hàng nội thất. Công việc lạ lẫm và không hề yêu thích nhưng giúp Thanh có thu nhập duy trì cuộc sống.

"Để đạt được mức lương khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, em phải tăng ca gần như mỗi ngày và cố gắng bán hàng đủ doanh số. Em đang ở trọ cùng em gái đang học năm nhất đại học. Nếu không đi làm trái ngành, 2 chị em không biết xoay sở ra sao", Thanh bộc bạch.

Sinh viên ngành khách sạn đi làm... bảo vệ vì Covid-19 - 4
Nhiều sinh viên ngành du lịch tạm gác công việc mơ ước để làm các công việc trái ngành để mưu sinh.

Thanh cho biết, lúc đầu đi làm công việc bán hàng nội thất cô cũng gặp rất nhiều khó khăn vì công việc tay trái. Một số bạn bè không hiểu cũng "nói ra nói vào" nhưng cô quyết tâm vượt qua để ổn định với công việc.

"Công việc cũng có lúc khó khăn và không phải sở thích, nhưng dịch như vậy có việc là mừng rồi. Thấy những người mất việc xung quanh, mình cũng coi như "trong cái rủi có cái may", Thanh chia sẻ thêm.

Cũng giống như Thanh, Trần Tú Anh (quê Vũng Tàu) vừa tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn được 1 năm. Thời gian qua, Tú Anh vừa đi bán bảo hiểm, vừa nhận làm thêm các công việc bán thời gian ở siêu thị để mưu sinh.

"Lúc đầu em đi làm bảo vệ cho siêu thị rồi mọi người giới thiệu qua làm nhân viên bán hàng trong siêu thị luôn. Em cũng đi theo mấy anh chị em quen biết để bán bảo hiểm. Nhìn chung mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 8 triệu đồng", Tú Anh nhấn mạnh.

Với Tú Anh, mọi công việc đều đáng trân trọng và không có gì phải ngại khi đi làm những công việc không như mình học. Tú Anh cũng khuyên các bạn học chung ngành đang thất nghiệp nên cố gắng tìm các công việc trái ngành để ổn định cuộc sống. Đặc biệt, không nên đợi hết dịch mới xin việc theo đúng sở thích và ngành học của mình.