1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Dùng xe cứu hỏa chặn cửa doanh nghiệp để đòi nợ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mấy ngày qua, công nhân ra vào Công ty TNHH TMSX điện trở đốt nóng Việt Sinh (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) rất khó khăn vì bị 4 chiếc xe cứu hỏa chặn cổng.

Theo phản ánh của lãnh đạo công ty Việt Sinh, những chiếc xe cứu hỏa này là xe chuyên dụng của chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo (Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo - ITACO). Mấy ngày nay, ITACO đã điều xe cứu hỏa chặn cửa ra vào của công ty Việt Sinh khiến công nhân ra vào khó khăn, xe ô tô chở hàng hóa, nguyên vật liệu không vào công ty được nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất.

Dùng xe cứu hỏa chặn cửa doanh nghiệp để đòi nợ - 1

Xe cứu hỏa được điều đến chắn cửa công ty Việt Sinh (Ảnh: CTV).

Nguyên nhân vụ việc là do công ty Việt Sinh và ITACO tranh chấp về khoản tiền phí duy tu mà Việt Sinh còn nợ ITACO. Trong khi công ty Việt Sinh không chấp nhận cách tính lãi phạt chậm nộp của ITACO thì phía ITACO buộc Việt Sinh phải trả tiền theo thông báo của mình.

Khi Việt Sinh chưa trả phí duy tu theo thời hạn mà ITACO đưa ra, công ty này đã điều bảo vệ khu công nghiệp đến canh giữ và đưa xe cứu hỏa đến chặn cổng công ty Việt Sinh, không cho ô tô ra vào. Việc này đã gây ra nhiều vụ tranh cãi, va chạm giữa công nhân công ty Việt Sinh và bảo vệ khu công nghiệp.

Sáng 3/2, chính quyền quận Bình Tân và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) đã đến làm việc và yêu cầu ITACO không được dùng các biện pháp trái quy định để đòi nợ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, ITACO đã điều các xe cứu hỏa đi, chỉ để lại rào chắn xung quanh công ty Việt Sinh.

Dùng xe cứu hỏa chặn cửa doanh nghiệp để đòi nợ - 2

Ngày 3/2, xe cứu hỏa được điều đi nhưng ITACO vẫn dùng rào chắn bao vây khuôn viên công ty Việt Sinh (Ảnh: CTV).

Một lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, Hepza không có quyền phân xử trong vụ việc này mà chỉ đứng ra làm trung gian hòa giải giữa 2 bên.

Trong tháng 1, Hepza đã tổ chức cho 2 đơn vị gặp nhau để tìm cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, quan điểm của 2 bên không thống nhất và không đi đến được thỏa thuận nên xảy ra vụ việc trên.

Do đó, Hepza đề nghị 2 bên giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật, kiện ra tòa để phán quyết các giao ước mà 2 bên đã ký kết trong hợp đồng.