Đột phá từ chất lượng dạy nghề

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo “Đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề và Dự án đổi mới phát triển dạy nghề thuộc CTMTQG giai đoạn 2011-2015, phương hướng và nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020”. Nhiều vấn đề có tính đột phá của dạy nghề được bàn thảo tại Hội nghị.

Đột phá từ chất lượng dạy nghề - 1

Những tín hiệu vui

Trước đó, Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), sau 5 năm triển khai dự án, chất lượng đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực, công tác tuyển sinh học nghề được hơn 9,1 triệu người, (đạt 95,5% kế hoạch), tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010.

Việc đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng thực hiện với 2,4 triệu lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các cấp trình độ đạt 38,5%, gần đạt với mục tiêu của Chiến lược (96,2%).

Mạng lưới cơ sở, trường cao đẳng dạy nghề đã xuất hiện ở 59/63 tỉnh, thành. Các cơ sở dạy nghề đã tự chủ về tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề, quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên.

Theo Tổng Cục dạy nghề, hết năm 2015, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề (gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề và 997 trung tâm dạy nghề). Đội ngũ giáo viên có trên 40.615 giáo viên dạy nghề, trên 7.300 lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề.

“Thông qua việc thực hiện Dự án đã thực sự tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo” - ông Dương Đức Lân khẳng định.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dạy nghề cũng thẳng thắn thừa nhận một số vẫn còn một số chỉ tiêu của Chiến lược phát triển Dạy nghề chưa đạt mục tiêu đề ra, như: Mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, việc thành lập một số trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề. Đặc biệt, công tác phối hợp phân luồng học nghề cho học sinh hệ THCS chưa hợp lý.

Nhiều cơ sở dạy nghề đầu tư quá nhiều về cơ sở vật chất thiết bị, ít quan tâm tới việc nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên hoặc cán bộ quản lý. Thực tế là có cơ sở quá chú trọng đến việc đưa các phương pháp giảng dạy mới, phần mềm dạy học nhưng coi nhẹ việc thay đổi chương trình đào tạo…

Đột phá từ chất lượng dạy nghề - 2

Giai đoạn 2016-2020: Đột phá

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐTB & XH xác định việc phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá để phát triển kinh tế để từ đó tiến tới giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả.

Để cụ thể hóa nhận thức này, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp. Đặc biệt nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020.

Theo Tổng cục Dạy nghề, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng sẽ được triển khai ở diện vĩ mô và vi mô, như: Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề. Tổng cục Dạy nghề sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm việc trường cao đẳng được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ.

Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa, phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề…

Trong định hướng đó, Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” giai đoạn 2016-2020 được coi là “cú đấm thép” với tổng kinh phí 15.018 tỉ đồng.

Dự án sẽ hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra nhằm tạo đột phá về chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Dương Đức Lân cho biết: “Công tác dạy nghề phải đi vào hiệu quả, thực chất, số lượng tuyển sinh các trường, cơ sở dạy nghề là thước đo chất lượng, uy tín của cơ sở dạy nghề. Từ năm 2016, TCD sẽ không đầu tư trường, cơ sở dạy nghề theo kiểu “dàn hàng ngang”. Với 45 trường cao đẳng nghề được chọn đầu tư trọng điểm từ ngân sách Nhà nước nếu không đáp ứng được như kế hoạch đề ra, sẽ phải ra khỏi danh sách để nhường trường khác vào”.

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Đây là là tiền đề để tiến tới giảm nghèo bền vững tại dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề giai đoạn 2016-2020” vừa được Bộ LĐ-TB & XH xây dựng.

Phan Minh

TIN LIÊN QUAN:

Mộc Châu (Sơn La): Tăng cường với doanh nghiệp đào tạo nghề cho nông dân

Tính đến tháng 10/2015, Phòng LĐ-TB&XH huyện Mộc Châu đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, các doanh nghiệp tổ chức hàng chục lớp dạy nghề các nghề chăn nuôi bò, trồng nấm, đá mỹ nghệ kết hợp với tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn.

Đơn cử, Phòng LĐ-TB&XH đã liên kết với Công ty TNHH Tuyết Sơn đào tạo nghề chế tác gỗ mỹ nghệ cho 20 người khuyết tật. Kết thúc khóa học, người khuyết tật đã được nhận vào làm việc tại Công ty. Huyện còn phối hợp với Công ty CP Hoa nhiệt đới tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động địa phương, khách sạn Thảo Nguyên của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Mộc Châu đã giải quyết việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng...

Đột phá từ chất lượng dạy nghề - 3

Bên cạnh đó, nhiều câu lạc bộ khuyến nông với sự tham gia của hàng nghìn hội viên tại 29 xã, thị trấn hoạt động theo mô hình tổ hợp tác. Các câu lạc bộ này chủ yếu tổ chức cho bà con nông dân học tập kiến thức khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, mô hình kinh tế hộ gia đình trên địa bàn huyện được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho các tổ viên.

Đ.U

Cao Bằng: Khai mạc lớp dạy nghề cho nông dân

Trong các ngày 11-18/11, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng) đã khai giảng các lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ năng chăn nuôi và trồng trọt cho nông dân trong tỉnh.

Đây là các lớp dạy nghề ngắn hạn cho đối tượng lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian 03 tháng học, các học viên sẽ được hướng dẫn những nội dung chủ yếu về chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho gà, lợn theo phương pháp hữu cơ; trồng và nhân giống nấm.

Học viên chủ yếu đến từ các xã: Cao Chương (huyện Trà Lĩnh), Phù Ngọc (Hà Quảng) và xã Hoàng Tung (Hòa An). Lớp học được tổ chức ngay tại địa bàn thôn, xóm nơi các học viên cư trú, trong quá trình học các học viên tham gia sẽ được cung cấp đầy đủ đồ dùng hỗ trợ học tập, tài liệu kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, kỹ thuật trồng và nhân giống nấm và được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày theo quy định. Sau khóa đào tạo các học viên có thể áp đụng những kiến thức đã học vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

H.N