1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Độc đáo nghề “xẻ thịt” cua ở xứ Đất Mũi

Là một trong những người tiên phong làm nghề “xẻ thịt” (tách thịt) cua để bán cho các nhà hàng, thương lái ở khắp nơi, bà Trần Thị Nương (63 tuổi, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) không những tạo ra một nghề “độc”, đem lại lợi nhuận cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều người tại địa phương.

Độc đáo nghề “xẻ thịt” cua ở xứ Đất Mũi

"Thời gian trước tôi cũng không biết đến việc tách thịt cua rồi đem đi bán. Sau đó, thông qua một người quen, tôi biết được ở TP.HCM người ta rất chuộng mua thịt cua đã qua sơ chế. Sau đó tôi xin được số điện thoại một cơ sở thu mua rồi thử chế biến, tách lấy thịt cua thành phẩm để bán" - bà Nương kể.

Độc đáo nghề “xẻ thịt” cua ở xứ Đất Mũi - 1

“Lúc mới làm do còn lạ nên tôi phải đến tận nơi để mua bán, sau này khi đã quen rồi, chất lượng ổn định nên chỉ cần gửi sản phẩm qua xe. Dần dần, số lượng thịt cua gửi đi bán ngày càng nhiều, có khi phải làm từ sáng sớm tới tối khuya vẫn chưa xong” – bà Nương bộc bạch.

Với nghề tách thịt cua, bà Nương có lãi trung bình từ 300.000-500.000 đồng/ngày
Với nghề tách thịt cua, bà Nương có lãi trung bình từ 300.000-500.000 đồng/ngày

Tính đến nay đã hơn 7 năm, công việc tách thịt cua được bà và nhiều nhân công là chị em phụ nữ tại địa phương làm thường xuyên. Nhờ lợi thế con trai bà là thương lái đi thu mua cua nên bà Nương có nguồn cua biển dồi dào. Tuy nhiên, khi nhu cầu lớn của thị trường lớn hơn, bà Nương phải đi thu mua thêm cua từ nhiều người ở địa phương.

Theo bà Nương, để tách cua lấy thịt thì cần mua các loại cua thịt, cua xô (cua chưa có gạch, gãy càng, còn nhỏ) với giá không quá cao. Tuy mua cua thì dễ nhưng muốn mua cua xô với số lượng lớn cũng khó, mỗi ngày bà gom được khoảng 50-70kg. Số lượng này cũng vẫn không đủ để cung cấp cho các đầu mối. Tôi có bao nhiêu thịt cua là người ta cũng mua hết vì thương lái ở các tỉnh rất thích cua thịt Cà Mau.

Sản phẩm thịt cua vừa được tách.
Sản phẩm thịt cua vừa được tách.

Hằng ngày bắt đầu từ rạng sáng, gia đình bà Nương tất bật luộc cua, sau đó chờ cua nguội hẳn sẽ “xẻ thịt” cua bằng cách tách ra từng phần riêng, rửa sạch rồi đông đá gửi đi bán cho cơ sở thu mua.

Giá thịt cua cũng khác nhau tùy từng loại, thịt càng cua từ 500.000–600.000 đồng/kg, thịt cua trắng có giá 300.000 đồng/kg, thịt ngoe cua với khoảng 200.000 ngàn đồng/kg, gạch son có giá khoảng 400.000 đồng/kg, riêng mai cua thì mỗi cái giá 1.000 đồng. Trung bình 4kg cua sống sẽ cho ra 1kg cua thịt.

Từ nghề tách thịt cua này, bà Nương có thu nhập khá cao, mỗi ngày lãi trung bình từ 300.000-500.000 đồng. Vào dịp có nhiều cua hay Tết thì lãi sẽ cao hơn.

Vừa thoăn thoắt tách lấy thịt ngoe cua, chị Nguyễn Thị Hương (nhân công tách thịt cua) vừa chia sẻ: “Nhìn thì thấy khó nhưng làm quen tay rồi rất dễ. Mỗi ngày từ khoảng 7h sáng, thì chị em xung quanh đến đây làm, lúc nhiều cua có đến 7-8 người. Nếu làm cả ngày thì tôi kiếm được từ 100.000-120.000 đồng, công việc cũng nhẹ nhàng, chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồng Văn Ái – Trưởng ấp Bùng Binh 2, cho biết: “Cái hay của nghề này là tận dụng tối đa nguồn cua xô, dạt ở địa phương. Chế biến cua không khó nên nhiều người có thể làm được. Phụ nữ ở nông thôn, sau thời gian lo cho gia đình thì còn có thêm nguồn thu nhập từ nghề này”.

Theo Danviet.vn