"Doanh nghiệp Việt thiếu tầng lớp làm thuê mang tinh thần doanh chủ"
(Dân trí) - Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam Trần Phú Sơn nhận định, cần xây dựng một tầng lớp "làm thuê chuyên nghiệp" với tố chất đặc biệt là có "tinh thần doanh chủ" phục vụ yêu cầu phát triển mới.
Thị trường việc làm thay đổi, quá nửa nhân lực phải đào tạo lại
Thế giới đang liên tục thay đổi, dẫn đến nhiều dự báo khác nhau về thị trường lao động - việc làm thời gian tới. Từ các nghiên cứu cũng như kinh nghiệm về thị trường, theo ông đâu sẽ là các xu hướng chính mà lao động Việt Nam cần lưu tâm đến?
- Quả thật thế giới việc làm đang thay đổi vô cùng nhanh chóng và sẽ còn thay đổi nhanh hơn nữa trong tương lai. Khảo sát tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2025 cho thấy, trong giai đoạn 2025-2030 tới đây, 22% công việc trên toàn cầu sẽ thay đổi do thay đổi cấu trúc của thị trường việc làm. Khoảng 170 triệu công việc mới sẽ được tạo ra và 92 triệu việc làm sẽ mất đi, dẫn đến tăng trưởng ròng khoảng 78 triệu việc làm.
Đây là dự báo lạc quan hơn nhiều so với năm 2023, khi WEF cho rằng khoảng 83 triệu việc làm sẽ mất đi và khoảng 69 triệu việc làm mới sẽ được sinh ra, tức là nhìn chung sẽ có khoảng 14 triệu việc làm biến mất trong giai đoạn 2023-2027.
Xu hướng chung, việc làm liên quan đến công nghệ như chuyên gia dữ liệu lớn, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên gia AI và học máy, chuyên viên phát triển phần mềm và ứng dụng sẽ có mức độ tăng trưởng cao nhất. Các vị trí trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và năng lượng, bao gồm chuyên gia về xe tự động và xe điện, kỹ sư môi trường và kỹ sư năng lượng tái tạo, cũng nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh.
Về số lượng, nhân viên văn phòng và thư ký được dự đoán là các vị trí sẽ giảm lớn nhất.
WEF cũng nhận định, khoảng 39% bộ kỹ năng hiện tại của người lao động sẽ phải thay đổi hoặc trở nên lỗi thời trong giai đoạn 2025-2030. Với riêng Việt Nam, tỷ lệ này là 37%.
Vậy theo ông, đâu là kỹ năng của tương lai?
- Đây là câu hỏi rất thời sự với không chỉ người lao động mà còn với các doanh nghiệp. Khi tuyển dụng, chúng tôi cũng đặt câu hỏi đâu là kỹ năng cần thiết cho tương lai phát triển của doanh nghiệp, của nhân sự? Các tiêu chí đặt ra trước đây có còn hợp thời không?
EY đã thực hiện khảo sát với một doanh nghiệp có quy mô trên 20.000 lao động tại Việt Nam, và các năng lực hành vi doanh nghiệp này yêu cầu đối với nhân viên như sau: Đầu tiên là trách nhiệm với công việc, tiếp đến là tư duy phân tích và khả năng thực thi, sau đó là tính sáng tạo, năng lực lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học, ngoại ngữ.
Khảo sát Tương lai Việc làm của WEF cũng cho thấy phẩm chất được các doanh nghiệp toàn cầu đánh giá cao nhất ở người lao động là tư duy phân tích, với 7/10 công ty coi đó là kỹ năng thiết yếu vào năm 2025. Tiếp theo là khả năng phục hồi, sự linh hoạt, cùng với kỹ năng lãnh đạo và khả năng ảnh hưởng xã hội, sự tò mò và năng lực học tập suốt đời, những phẩm chất cho thấy khả năng thích ứng của người lao động trong thế giới biến động.
Thông điệp xuyên suốt là mỗi nhân sự cần phải bồi đắp kỹ năng một cách liên tục, nghĩa là không thể thiếu khả năng tự học. Thế giới chuyển động thì lẽ tự nhiên là từng cá nhân cũng không thể đứng yên được.
Kỹ năng để cạnh tranh
Vừa là một người quan sát thị trường, vừa là người sử dụng lao động, ông có khuyến nghị gì để người lao động trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường?
- Câu chuyện này tôi đã từng chia sẻ trong một buổi tọa đàm với khoảng 800 sinh viên tại một trường đại học. Không gì khác, đó là tinh thần học tập suốt đời mà chúng ta vẫn nghe nói đến.
Tại EY, chúng tôi làm việc với các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới để thiết kế chương trình đào tạo trực tuyến, linh hoạt cho tất cả nhân viên trên toàn cầu. Ngoài các khóa học bắt buộc hàng năm để cập nhật các kỹ năng thiết yếu, nhân viên còn có thể học thêm các kỹ năng mới nhất trên thị trường: AI, phân tích dữ liệu, máy học, ngoại ngữ… Chúng tôi dành cơ hội để nhân viên lấy bằng thạc sĩ miễn phí tại một số trường đại học của Anh.
Và thực tế, không chỉ có chúng tôi, nhiều tổ chức khác cũng cung cấp các chương trình đào tạo nhân sự tương tự. Cơ hội nâng cao kỹ năng hiện giờ thực sự rất rộng mở.
Thống kê nhiều năm qua cho thấy năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar ở khu vực Đông Nam Á. Lao động Việt Nam cũng được cho là còn thiếu hụt kỹ năng, được định vị ở khu vực chi phí thấp. Phải làm gì để giải quyết khoảng cách kỹ năng và tái định vị trên thị trường lao động, thưa ông?
- Tôi luôn vừa tò mò, vừa khâm phục những doanh nghiệp có bề dày lịch sự hàng trăm năm và phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và cũng có một câu hỏi lớn là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng được quy mô mà vẫn vận hành trơn tru như vậy? Chúng ta còn thiếu những gì để thành công như họ? Tôi cho rằng đó không hẳn là câu chuyện vốn liếng, không phải câu chuyện con người. Con người Việt Nam chăm chỉ, ham học hỏi, nếu xét về mặt khả năng thì không hề thua kém.
Theo quan sát của cá nhân tôi, điều kiện Việt Nam còn thiếu là một tầng lớp "làm thuê chuyên nghiệp". Đó là những người làm thuê nhưng có một tố chất đặc biệt, một "tinh thần doanh chủ" - làm chủ những gì họ làm và biến họ thành những "ông chủ nhỏ" làm thuê cho những "ông chủ lớn".
Bởi, khi quy mô doanh nghiệp lớn lên họ cần nhiều hơn một ông chủ. Nếu tất cả nhân viên đều đợi chỉ đạo để làm và chỉ làm những gì được chỉ đạo thì doanh nghiệp chỉ lớn lên được ở một mức độ rất khiêm tốn thôi.
Do đó, một trong những mục tiêu mà chúng tôi nỗ lực theo đuổi là góp phần tạo ra một "tầng lớp làm thuê chuyên nghiệp". Theo tôi, tính chuyên nghiệp có ba cấu phần chính. Đầu tiên phải là chuyên môn. Làm gì thì làm, trước tiên chuyên môn phải chắc. Chuyên môn gắn với những thứ mỗi nhân sự được trang bị trên ghế nhà trường và liên tục được bồi đắp, bổ sung thêm những kỹ năng, hiểu biết mới.
Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất linh kiện điện tử (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Một điều rất quan trọng khác để hoàn thiện chuyên môn là cơ hội thực hành ở các tổ chức chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ ở EY, các bạn được tham gia các dự án hỗ trợ doanh nghiệp IPO tại Mỹ, thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Đó là những cơ hội bằng vàng để nâng cao kỹ năng mà không trường đại học nào dạy bạn được.
Thứ hai là chuyên cần. Không có gì dễ mà lại hay cả. Những gì khó, gai góc mà chúng ta đạt được sẽ ở lại lâu, sẽ ít người làm được, và nếu mình có mình sẽ khác biệt. Theo quan điểm của riêng tôi, sự chuyên cần tạo ra sự khác biệt.
Tôi rất thích câu nói của Einstein: "It's not that I'm so smart, it's just that I stay with problems longer". (Vấn đề không ở chỗ tôi cực kỳ thông minh, mà là tôi trăn trở lâu hơn). Rất khó để nói ai thông minh hơn ai. Quan trọng là ai nghiền ngẫm lâu hơn. Đó là sự chuyên cần.
Và để có sự chuyên cần còn cần kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, tổ chức, sắp xếp công việc. Kỹ năng đó quan trọng hơn rất nhiều việc ngồi văn phòng đến 22h.
Thứ ba là chuyên tâm - tập trung vào công việc, không cần để tâm quá mức vào các yếu tố bên ngoài. Hành động bao giờ cũng có ảnh hưởng lớn hơn là lời nói. Với vai trò của một người lãnh đạo, tôi thấy những người làm được việc chắc chắn sẽ được ghi nhận. Nếu làm được việc mà không được ghi nhận thì đó không phải là tổ chức chúng ta nên gắn bó lâu dài. Hiệu quả công việc sẽ nói lên tất cả.
Xin cảm ơn ông!