Chưa có môi trường làm việc hạnh phúc thì ESG không thành công
(Dân trí) - Tạo dựng việc làm hạnh phúc và xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người lao động được khơi lên tại hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG" do báo Dân trí tổ chức sáng 30/10.
Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp thành công
Tháng 9 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM gây bất ngờ khi thông qua đề án thí điểm xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, cơ quan hạnh phúc, đảm bảo cho người lao động có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Nói là bất ngờ vì Sở LĐ-TB&XH TPHCM là cơ quan nhà nước với lực lượng nhân sự lớn, nhiều dịch vụ hành chính công phải thực hiện trong giờ hành chính, nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc với nhiệm vụ đa dạng. Dù vậy, đề án vẫn đặt mục tiêu xây dựng khung thời gian làm việc linh hoạt, đảm bảo cho người lao động làm việc hiệu quả mà vẫn có thời gian dành cho gia đình.
Tạo dựng việc làm hạnh phúc và xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người lao động là khái niệm đang dần phổ biến trong xã hội. Hạnh phúc không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành mục tiêu tại hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững.
Tại Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trọng tâm của chữ "S" trong ESG?" do báo Dân trí tổ chức, 3 trong 6 diễn giả tham gia phiên thảo luận cũng say sưa nói về vấn đề này.
TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup), khẳng định việc tạo dựng nhân lực bền vững và công việc hạnh phúc là chìa khóa thành công của ESG.
Theo bà Hà, công việc không chỉ là thu nhập mà còn là sự hài lòng, cảm giác được công nhận, được phát triển và cần được cân bằng giữa sự nghiệp với cuộc sống. Đó mới là "việc làm hạnh phúc".
Tạo dựng việc làm hạnh phúc cho người lao động vô cùng quan trọng vì nhân viên hạnh phúc sẽ đem lại năng suất lao động tối ưu, sáng tạo hơn và gắn bó với doanh nghiệp hơn.
Khi tạo dựng được việc làm hạnh phúc, môi trường làm việc hạnh phúc, doanh nghiệp sẽ tiến tới xây dựng được nguồn nhân lực bền vững với nhiều lợi ích như: năng suất cao, giảm tỷ lệ nghỉ việc, giữ chân nhân tài, cải thiện hình ảnh thương hiệu…
Theo bà Lê Thái Hà, trong ESG, chữ "S" (yếu tố Xã hội) nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp với nhân viên và cộng đồng. Thực hành tốt chữ "S" đảm bảo phúc lợi, hạnh phúc, an toàn lao động cho người lao động, xây dựng đội ngũ nhân sự bền vững. Từ đó, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và thành công.
Nhân viên là tài sản quý giá nhất để DN phát triển bền vững
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, đưa mục tiêu xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc trở thành thứ văn hóa quan trọng của doanh nghiệp.
Theo bà, việc tạo dựng một văn hóa coi trọng hạnh phúc và phát triển cá nhân của nhân viên có tác động tích cực đến sự gắn kết và hiệu quả làm việc.
Deloitte là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Với bề dày lịch sử phát triển trăm năm, Deloitte sớm nhận ra vai trò then chốt của nguồn nhân lực trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Từ lâu, Deloitte đã xác lập khái niệm phát triển con người bền vững là đề cập đến khả năng của một tổ chức trong việc tạo ra giá trị cho con người.
Ở đó, các chỉ số đo lường tập trung vào sự hài lòng của nhân viên trong công việc và năng suất của họ, tiếp cận một cách toàn diện với định nghĩa "hạnh phúc".
Còn ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam, thì khẳng định việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc là trách nhiệm của tổ chức và doanh nghiệp.
Thậm chí, SCG Việt Nam còn thành lập các ban chuyên môn hỗ trợ thúc đẩy môi trường làm việc hạnh phúc và kiến tạo việc làm bền vững.
Doanh nghiệp này xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn nhất quán từ cấp quản lý xuống nhân viên, đồng thời định kỳ đánh giá hiệu quả của các chương trình để có thể điều chỉnh phù hợp với từng bối cảnh.
Ở khía cạnh khác, theo TS Lê Thái Hà, lâu nay, các doanh nghiệp ít quan tâm đầu tư tài chính thực hành chữ "S" trong ESG vì hiệu quả đầu tư thể hiện không rõ ràng, chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể.
Tuy nhiên, bà Lê Thái Hà cho biết có nhiều cách để đo lường hiệu quả từ chính đối tượng mà các yêu cầu mà tiêu chuẩn chữ "S" hướng đến, đó là con người, nhân viên trong tổ chức.
Bà gợi ý có thể đo lường một số chỉ tiêu mà tiêu chuẩn S nhắm tới như: Chỉ số giữ chân nhân viên, tỷ lệ nghỉ việc, chi phí thay thế nhân sự; khảo sát sự hài lòng và gắn kết nhân viên đối với công việc, môi trường làm việc; chỉ số năng suất lao động trước và sau các chương trình phúc lợi…
Ông Chaturon Thipphiansak nhấn mạnh: "Thực hành ESG sẽ không thể thành công nếu không tạo dựng được môi trường làm việc hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và khuyến khích ý thức an toàn cho nhân viên. Khi đạt được mục tiêu này, mỗi nhân viên sẽ có động lực để thực hiện và tuân thủ các quy định".
Đồng tình, nữ TS Lê Thái Hà khuyến cáo: "Hãy coi nhân viên là tài sản quý giá nhất trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp".
Tại hội thảo "Nhân lực bền vững - Trọng tâm của chữ "S" trong ESG?", nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí, cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn ESG do báo Dân trí tổ chức, sắp tới, báo tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện diễn đàn chính thức với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành liên quan.
Cùng với đó, Diễn đàn ESG sẽ tổ chức vinh danh các doanh nghiệp đã có thực hành, đóng góp trong lĩnh vực ESG.
Ngay sau hội thảo ngày hôm nay, báo Dân trí chính thức mở cổng đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng ESG do báo Dân trí tổ chức.
Thời gian đăng ký từ 30/10 đến 30/11. Sau đó, hội đồng chuyên gia và ban giám khảo sẽ đánh giá tổng thể và chi tiết, chọn ra các doanh nghiệp xuất sắc trong từng lĩnh vực Môi trường, Xã hội và Quản trị để trao giải.