Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực!

Hoài Nam

(Dân trí) - Bên cạnh đối tượng nam/nữ, trong nhiều bản tin tuyển dụng hiện nay của nhiều doanh nghiệp đã "phá" rào cản, mở rộng tuyển cộng đồng người LGBT (người đồng tính/song tính/chuyển giới).

"Giới tính khác" có nhiều ưu thế

Nguyễn Ngọc Anh (27 tuổi, tại Q.4, TPHCM) tốt nghiệp đại học và cũng là một người chuyển giới nam sang nữ. Gần đây, cô khá bất ngờ khi đọc nhiều bản tin tuyển dụng: Không chỉ tuyển nam/nữ, nhiều nhà tuyển dụng đăng công khai việc tuyển ứng LGBT. 

Cách đây gần một năm, trong phần giới tính, cô ghi "Chuyển giới nữ". Trải qua vòng hồ sơ và phỏng vấn, với những ưu thế như tỉ mỉ, cẩn thận, quan tâm đến việc làm đẹp, cô trúng tuyển vào một hệ thống thẩm mỹ lớn ở TPHCM với mức lương khởi điểm 12 triệu đồng.

Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực! - 1
Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực! - 2

Bản tin tuyển nam/nữ và LGBT làm việc ngày càng nhiều 

Hiện Ngọc Anh đang là trưởng nhóm khách hàng của công ty. 

Trước đây, với vẻ ngoài là nữ nhưng trên giấy tờ là nam, nhiều lần Ngọc Anh đi xin việc bị từ chối thẳng: Chúng tôi không nhận người chuyển giới. Ngọc Anh cho biết, nhiều người trong cộng đồng LGBT khi đi xin việc, có người phải che dấu, không đề cập đến, có người công khai dè dặt, lo lắng.

Với sự cởi mở trong tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp như hiện nay, họ có thể công khai về con người thật của mình ngay trước khi vào làm việc nên họ có thêm lựa chọn việc làm, tự tin hơn, có điều kiện thể hiện năng lực hơn.

LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và chuyển giới (Transgender). 

Có thể dễ dàng thấy, trên nhiều bản tin tuyển dụng hiện nay ở nhiều lĩnh vực như làm đẹp, truyền thông, thiết kế, nhà hàng... bên cạnh nam/nữ, nhiều doanh nghiệp công khai tuyển LGTB. 

Hay như mới đây, Á hậu, người mẫu nổi tiếng Hoàng Thùy đăng tuyển trợ lý là nữ hoặc LGBT. 

Anh Lê Mạnh Đức, Giám đốc một công ty thiết kế quảng cáo ở Q.9, TPHCM chia sẻ: "Công ty không phân biệt giới tính, tuyển cả LGBT, thậm chí là ưu tiên nhóm ứng viên này". Bên anh cũng vừa tuyển 7 nhân viên thiết kế, trong đó một đồng tính nam, một chuyển giới nam.

Theo anh Đức, việc cởi mở trong tuyển dụng có lợi cho cả đôi bên. Các bạn LGBT thêm cơ hội việc làm công bằng như tất cả mọi người, công khai xu hướng tính dục thật của mình ngay từ đầu. Còn doanh nghiệp có thêm nguồn tuyển, thêm cơ hội tìm người giỏi. 

Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực! - 3

Jessica, một chuyển giới nữ là chuyên viên trang điểm nổi tiếng trong cộng đồng LGBT 

"Không chỉ về mặt xã hội, góp phần tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng LGBT, tăng sự bình đẳng mà các bạn LGBT có những ưu thế trong các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, thiết kế... vốn rất cần nhiều ý tưởng", anh Đức bày tỏ quan điểm. 

Ngoài ra, theo anh Đức, có một thực tế, tuy có nhiều lợi thế nhưng từ sự kỳ thị  cộng đồng LGBT vẫn khó kiếm việc làm hơn. Vậy nên, nếu tuyển được người, công việc phù hợp họ tận tâm, có mức gắn bó với doanh nghiệp cao hơn.

Tín hiệu tích cực 

Cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới không chỉ tại Việt Nam, lâu nay còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là tìm việc làm. 

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về tình hình, thực trạng của cộng đồng LGBT tại Việt Nam 2013, môi trường lao động rất khắc nghiệt với LGBT.

Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực! - 4

Khó khăn trong tìm việc làm, nhiều người chuyển giới phải đi hát, biểu diễn ở các đám ma mưu sinh 

Các nhà tuyển dụng lao động không có đủ thông tin và kiến thức về đối tượng lao động là người LGBT, về sự đa dạng xu hướng tính dục hay bản dạng giới, vì vậy họ thường có cái nhìn rất tiêu cực về người LGBT, đặc biệt là nhóm người chuyển giới.

Áp lực tâm lý phải giấu kín xu hướng tính dục và bản dạng giới, cũng như những lo lắng về an toàn cá nhân làm phần nào giảm đi năng suất lao động của cộng đồng LGBT.

Những người đủ can đảm để thể hiện con người thật của mình tại nơi làm việc trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực, kỳ thị khác nhau, nhiều người thậm chí phải bỏ việc sau một thời gian dài chịu đựng 

Nói về việc nhiều doanh nghiệp hiện nay công khai tuyển LGBT, ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam chia sẻ, đây là điều rất tích cực. Sự cởi mở của doanh nghiệp sẽ tạo nhiều cơ hội để cộng đồng LGBT tiếp cận việc làm, phát triển năng lực. 

Doanh nghiệp tuyển ứng viên đồng tính, chuyển giới: Tín hiệu tích cực! - 5

Ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam cho hay, việc doanh nghiệp công khai tuyển cộng đồng LGBT là tín hiệu tích cực

"Đọc những bản tuyển dụng này, bản thân tôi rất vui khi nhà nhiều nhà tuyển dụng đã có những quan tâm đến cộng đồng LGBT, nhận thấy LGBT có những ưu điểm trong công việc", ông Thảo bày tỏ. 

Tuy nhiên, về mặt kiến thức, ông Thảo góp ý, đưa phần giới tính trong tuyển dụng là LGBT cạnh nam/nữ là chưa chính xác. Về phần giới tính, bên cạnh nam/nữ ghi giới tính khác là hợp lý nhất. Trong một số lĩnh vực, hay tùy nhà tuyển dụng, nếu có thể ghi "ưu tiên cộng đồng LGBT".

Ngoài ra, theo ông Thảo, việc tuyển dụng đối với LGBT là khởi điểm, quan trọng hơn nữa chính là bầu không khí, môi trường làm việc không kỳ thị, tôn trọng sự khác biệt là điều vô cùng cần thiết. 

Theo Nghiên cứu "Có phải bởi vì tôi là LGBT" (iSEE, 02/2016) được thực hiện với gần 3.000 người LGBT tại Việt Nam, gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT.

Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn. 

Người LGBT đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ cả đồng nghiệp, sếp và khách hàng, đối tác, với tỷ lệ cao từ 33% tới gần 50%.

Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo gặp phải còn có: Bị hỏi thường xuyên về đối tượng yêu đương, ghép đôi với đồng nghiệp khác giới.