"Dễ mà, muốn giáo viên không bỏ nghề thì cứ tăng lương"
(Dân trí) - Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì có một người ra khỏi ngành. Nhiều người nói: "Dễ mà, muốn giáo viên không bỏ nghề thì cứ tăng lương lên thôi"
Theo một báo cáo mới đây của Sở GD&ĐT TPHCM, lương giáo viên tiếng Anh mới ra trường hiện nay chỉ khoảng 3 triệu đồng. Lương quá thấp dẫn đến thực trạng ngành không giữ được người, nhiều giáo viên nghỉ việc, khó tuyển người mới.
Nhưng thực chất có phải giáo viên bỏ việc vì lương? Câu hỏi được đặt ra tại diễn đàn giáo dục "Vì sao giáo viên bỏ nghề - Vấn đề và giải pháp" do FAROS Education & Consulting tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM.
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập và lãnh đạo nhiều tổ chức giáo dục cho biết, thiếu giáo viên đang dần trở thành một vấn đề mang tính hệ thống và trầm trọng lên mỗi ngày. Không chỉ sinh viên sư phạm quyết định chuyển ngành ngay sau khi ra trường mà nhiều giáo viên lâu năm tâm huyết cũng "bỏ nghề".
Nhiều người nói với bà rằng: "Dễ mà, muốn giáo viên không bỏ nghề thì cứ tăng lương lên thôi". Nhưng liệu có đơn giản như vậy?
Chưa kể, một thực tế là không chỉ trường công lập mà chính trường tư cũng hạn chế trong việc trả lương cho giáo viên. Trường tư phải gánh rất nhiều chi phí, nhất là chi phí thuê mặt bằng luôn "nhảy" theo cơn sốt bất động sản nên muốn tăng lương giáo viên cũng rất khó.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ, trong lần sang Việt Nam mới đây, Giáo sư Manabu Sato - tác giả cuốn sách "Đào tạo giáo viên trở thành người chuyên nghiệp" đưa ra so sánh nghề giáo viên, luật sư, bác sĩ và cho rằng nghề giáo viên thiếu chuyên nghiệp hơn hai nghề kia.
Điều này theo ông Vương xuất phát từ một số lý do như hệ thống đào tạo giáo viên của chúng ta lạc hậu, tâm thế tự đào tạo và hoàn thiện mình của giáo viên không cao... Thay vì học hỏi, nhiều người dạy bằng bản năng nhờ 4 năm học đại học, trong suốt cuộc đời đi dạy, không nâng cấp bản thân.
Nói về vấn đề thu nhập, theo ông Vương, làm giàu không xấu nhưng nếu mong làm giàu không nên chọn nghề giáo. Người thầy có sức mạnh, niềm tin về tinh thần hơn là giá trị vật chất.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, muốn trụ lại với nghề, bản thân người thầy phải có ý chí, khao khát lẫn sức mạnh nội tại để sống với cái khổ của nghề.
"Nếu theo đuổi nghề thầy giáo, theo tôi phải giảm các nhu cầu vật chất về mức gần như tối đa. Còn làm thầy muốn có xe đẹp, nhà to thì rất khó", ông Vương nói.
Đưa mình làm dẫn chứng, ông Nguyễn Quốc Vương cho biết bản thân không rượu bia, không nhậu nhẹt, không thuốc lá, ít mua sắm quần áo... Ông đứng ngoài các nhu cầu được xem là bình thường nhất của đàn ông.
Trước câu hỏi với mức lương như vậy làm sao thuyết phục các bạn trẻ vào ngành giáo dục? Nhà khoa học và quản lý giáo dục Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen thẳng thắn: "Tôi sẽ không thuyết phục các bạn trẻ vào giáo dục, tôi không có lý lẽ gì để thuyết phục họ".
Bà Phượng cho rằng, chúng ta không thể rao giảng mãi bài giảng muốn làm giáo viên phải sống nghèo khổ, cơ cực, phải ăn ít, phải nọ phải kia... Giáo viên không thể nghĩ xe sang, điện thoại sang nhưng họ cần có tự do tối thiểu để không phải bận tâm quá đáng về tiền bạc.
Họ cần cuộc sống đàng hoàng không bận cơm áo thì mới có thể nuôi được đam mê. Khi đó, họ mới có thể dồn tâm lực vào nghề, khát khao tri thức, ham hiểu biết, góp phần đào tạo con người tử tế.
Theo bà Phượng, lương thấp chỉ là một trong vô số lý do và không phải lý do quan trọng nhất của tình trạng giáo viên bỏ việc. Lương giáo viên từ xưa giờ vẫn thấp, có thể họ nghỉ việc xuất phát khi nhận thức ra bế tắc, nhận thức rằng không còn con đường nào để mình làm điều mình muốn bằng nghề giáo.
Nhà khoa học này cũng cho rằng, giáo viên bỏ nghề chưa hẳn là tín hiệu tiêu cực. Có thể trong số giáo viên bỏ nghề, có người đã chọn lầm nghề giờ họ chọn lại. Chuyển sang nghề khác họ phát huy năng lực tốt hơn, đóng góp cho xã hội hiệu quả hơn, bản thân họ hạnh phúc hơn.
Về hướng đi tìm nhân lực cho ngành giáo dục, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, chia sẻ, kinh nghiệm ở Nhật Bản có cơ chế tuyển dụng những người có kinh nghiệm từ các ngành nghề khác như thợ cơ khí, phiên dịch lâu năm trở thành giáo viên phổ thông.
Ông Vương nhấn mạnh, tỷ lệ chọn nhầm nghề rất cao, nhiều người học sư phạm nhưng chưa chắc đã chọn nghề giáo. Ngược lại, có người làm nghề khác muốn trở thành giáo viên nhưng không có "cửa" để vào.
Hiện, chúng ta đang thiếu cơ chế để người giỏi ở các lĩnh vực trở thành giáo viên. Thiếu cánh cửa mở để những người có tài năng có thể nhảy sang làm giáo viên giữa chừng. Điều này dẫn đến việc chúng ta bỏ phí rất nhiều người có kỹ năng, trình độ ở nhiều lĩnh vực không tham gia vào đào tạo giáo dục.