1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giữ chân công chức không được, tuyển mới thì sợ bị hỏi "lương bao nhiêu?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Là người tuyển dụng nhưng chị H., Phó trưởng phòng truyền thông một trường đại học ở TPHCM sợ nhất việc ứng viên đề cập đến lương. Nghe xong mức lương, nhiều ứng viên ra đi không kịp chào.

Nghe mức lương là... "quay xe"

Mỗi khi nhắc đến việc tuyển người, chị H., Phó trưởng phòng truyền thông một trường đại học ở TPHCM lại thở dài. Phòng chị còn thiếu hai nhân viên nhưng ba tháng nay vẫn chưa thể tuyển được nhân sự. 

 Là người tiếp nhận hồ sơ của ứng viên, chị H. sợ nhất ứng viên hỏi "lương bao nhiêu?". Nhiều người, kể cả sinh viên ra trường hay đang thấp nghiệp khi nghe mức lương là lẳng lặng ra đi, có người còn không chào một lời. 

Giữ chân công chức không được, tuyển mới thì sợ bị hỏi lương bao nhiêu? - 1

Nhiều ứng viên nghe đến mức lương nhà nước là quay đi không kịp chào (Ảnh minh họa).

Chị H. cho biết, trường mình là trường công lập thực hiện tự chủ tài chính lâu nay nhưng chỉ mới áp dụng cho khối giảng viên, còn khối văn phòng thì "lương thấp nói không ai tin". Mức lương theo hệ số lương nhà nước và thêm một ít phụ cấp. 

"Khi tôi nói tuyển nhân viên mức lương 8 triệu đồng/tháng, nhiều người quen lắc đầu: "Lương vậy thì tự làm đi". Nhưng thật ra, đó là mức lương với Phó trưởng phòng hiện tại của tôi, sau nhiều năm đi làm. Còn người mới, lương với trợ cấp chỉ khoảng 5 triệu đồng", chị H. cho biết.

Nữ phó phòng tiết lộ, chị dự tính nghỉ việc chuyển sang nơi khác. Trước khi nghỉ chị muốn thu xếp ổn định nhân sự cho phòng nhưng tình hình khó thực hiện. Lương thấp, áp lực, cơ hội phát triển không cao... chẳng được điểm nào để hấp dẫn ứng viên. 

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ, đến nay toàn quận vẫn thiếu rất nhiều giáo viên. Không có người dự tuyển, người mới khó tuyển trong khi nhiều người cũ nghỉ việc.  

Đề cập đến lý do vì lương thấp mà không tuyển được người, ông Tuyên thở dài: "Cái này nói mãi, nói miết lâu nay rồi". 

Ông cho biết, giáo viên mới ra trường lương chưa đến 3 triệu đồng, thêm một ít phụ cấp. Mức lương này rất khó để tuyển được giáo viên, nhất là các môn đặc thù như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc... 

"Nhiều em học nhạc ra, lập nhóm nhạc hát đây đó tháng vài buổi kiếm vài triệu, không bị áp lực thanh tra kiểm tra, soạn giáo án, họp hành, chủ nhiệm, phụ huynh... Thời gian rảnh để làm việc khác", ông Tuyên nêu thực tế. 

Nhiều trường học khi tuyển người rất sợ đề cập đến tiền lương. Dẫu rằng người dự tuyển cũng đã biết phần nào nhưng nói ra con số vẫn thật khó hình dung mức lương đó thì phải làm việc, sinh sống thế nào. 

Báo cáo về thực trạng giảng dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học của Sở GD-ĐT TPHCM mới đây làm nhiều người giật mình.  Giáo viên mới ra trường có mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi số tiết dạy nghĩa vụ là 23 tiết/tuần. Điều này dẫn đến thực trạng các nơi khó tuyển giáo viên, không giữ chân được người giỏi. 

Tìm cách giữ chân công chức, viên chức 

Làn sóng công chức, viên chức rời nhiệm sở thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chưa nói đến áp lực, môi trường làm việc, thứ có thể đo lường về tính hấp dẫn của công việc bằng con số chính là mức lương. 

Thống kê từ ngành giáo dục, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, tức bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Ở lĩnh vực y tế, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có gần 10.000 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. 

Giữ chân công chức không được, tuyển mới thì sợ bị hỏi lương bao nhiêu? - 2

Nhiều người rời khỏi khu vực công vì mức lương thấp (Ảnh minh họa).

Nhiều lĩnh vực khác cũng phải đối mặt với tình trạng cán bộ, nhân viên nghỉ việc. 

Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc, mới đây Bộ Nội vụ có công văn đề nghị Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu triển khai, thực hiện nhiều giải pháp. 

Trong đó, đề nghị quan tâm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, ổn định.

Cần phải đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể.

Bộ Nội vụ sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp; tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công.