Đây là cách nghệ nhân tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay trị giá hàng triệu USD
(Dân trí) - Hơn 200 năm qua, các nghệ nhân đã tạo ra và phát triển những chiếc đồng hồ tiền tỷ. Bí quyết của họ là gì?
Trong ngành sản xuất đồng hồ cơ, tích hợp thêm chức năng là nhiệm vụ rất khó khăn và "complication" chính là những thứ phức tạp nhất. Hơn 200 năm qua, các nghệ nhân đã tạo ra và phát triển tourbillon - complication tinh vi nhất, khó sản xuất và lắp ráp nhất. Ngay cả máy móc tiên tiến nhất hiện nay cũng không thay thế được bàn tay con người.
Complication là tên gọi chung của những chức năng được bổ sung vào đồng hồ cơ, bên cạnh việc hiển thị giờ, phút, giây. Điển hình như thứ trong tuần, ngày trong tháng, trăng sao, chronograph, linh vạn niên...
Có nhiều complication hữu ích và quen thuộc với mọi người, chẳng hạn chức năng hiển thị ngày. Nghe có vẻ là một việc đơn giản, tuy nhiên, lịch chúng ta đang dùng đôi khi có 30 ngày mỗi tháng, nhưng cũng có tháng 31 ngày. Ngoài ra, tháng 2 chỉ có 28 ngày, sau mỗi chu kỳ 4 năm thì lại có 29 ngày. Vì vậy, một bộ đếm đơn giản không thể hiển thị chính xác trong thời gian dài. Những nghệ nhân chế tác đồng hồ lành nghề đã phát minh ra bộ phận đếm ngày tinh vi đáp ứng nhu cầu đó.
Tuy nhiên, lịch ngày chưa phải là complication phức tạp nhất, danh hiệu này thuộc về tourbillon - vua của complication trong thế giới đồng hồ xa xỉ. Chính sự tinh vi của nó đẩy giá thiết bị đeo tay vượt qua mốc 1 triệu USD.
Đối với nhiều người, tourbillon là bộ phận đẹp đẽ nhất, bí ẩn nhất, phức tạp nhất và đáng ao ước nhất trong tất cả complication. Và cũng vì vậy, nó rất hiếm khi xuất hiện, hiếm tới mức hầu như không ai từng thấy.
Theo nhiều chuyên gia và những người đam mê đồng hồ, tourbillon là cơ chế khó nhất từng được phát triển trong một chiếc đồng hồ. Nói cách khác, đó là complication phức tạp nhất, đến mức nhiều chủ sở hữu không đeo chiếc đồng hồ tourbillon của họ vì sợ làm hỏng.
Chế tác tinh vi, máy móc không thể làm được
Trước đây, do công nghệ chế tác thiếu chính xác cùng các vật liệu mềm, nhẹ khiến sự vận hành của một chiếc đồng hồ dễ bị ảnh hưởng bởi trọng lực, nhất là những bộ phận mỏng manh như dây tóc bánh răng hay các thành phần của bộ thoát - hãm năng lượng.
Nghệ nhân chế tác đồng hồ người Anh, John Arnold đã có ý tưởng về một bộ phận gọi là tourbillon với nhiệm vụ triệt tiêu ảnh hưởng của lực hút trái đất đối với máy đồng hồ. Đến năm 1801, ý tưởng của ông được hiện thực hóa bởi Abraham Louis Breguet.
Về cơ bản, tourbillon là một khung mang cả hai bộ cơ bản của đồng hồ là bộ phận thoát - hãm và điều khiển. Nó có nhiệm vụ loại bỏ các sai số về tốc độ ở các vị trí dọc do trọng lực gây nên.
Kể từ khi ra đời, tourbillon luôn xuất hiện trên những chiếc đồng hồ quả quýt và phải tới gần hai thế kỷ sau, những chiếc đồng hồ đeo tay mới có bộ phận này dù đồng hồ đeo tay đã xuất hiện từ năm 1810.
Chiếc đồng hồ đeo tay tourbillon đầu tiên được chế tạo vào năm 1920 và chỉ dừng lại ở phiên bản thử nghiệm. Năm 1945, Omega cho ra đời bộ 12 đồng hồ tourbillon nhưng không thành công. Cho tới khi Audemars Piguet ra mắt dòng đồng hồ tourbillon thương mại đầu tiên vào năm 1985 thì tourbillon mới thực sự bức lên đỉnh cao của ngành chế tạo đồng hồ cơ.
Thách thức trong việc sản xuất tourbillon chính là kích thước của nó, quá nhỏ, chỉ bằng nửa đốt ngón tay út của người bình thường hoặc bé hơn nhưng lại được cấu thành từ rất nhiều linh kiện. Thường thì một bộ tourbillon có từ 40 - 90 chi tiết nhỏ ghép lại và trọng lượng cho cả bộ dao động từ 0,2 -0,6 g.
Một chi tiết chỉ nhỏ như chiếc cúc áo, nặng khoảng 2-3 g nhưng được lắp ráp từ 70-100 bộ phận khác nhau, chỉ cần một giây sơ sảy, công sức chế tác hàng trăm giờ của nghệ nhân sẽ mất đi.
Cơ chế tourbillon càng nhiều chi tiết, càng phức tạp thì chiếc đồng hồ càng giá trị. Công đoạn hoàn thiện các chi tiết và lắp ráp chủ yếu được thực hiện bằng tay. Một chiếc đồng hồ tourbillon có yếu tố thủ công càng cao thì càng đắt.
Theo Martin Wehrli, Giám đốc bảo tàng của thương hiệu Audemars Piguet thì chưa có một máy móc hiện đại nào có thể hoàn thiện và lắp ráp chính xác những chi tiết siêu nhỏ có trọng lượng chỉ khoảng 0,04 g lên bộ phận tourbillon. Chỉ có một số ít những nghệ nhân lâu năm mới có đủ khả năng và sự kiên nhẫn để làm điều này. “Chỉ một nhịp thở mạnh cũng có thể làm tiêu tan mọi công sức bỏ ra trong hàng tuần”.
Điều này khiến cho việc lắp ráp và hiệu chỉnh một chiếc đồng hồ không còn là kỹ thuật mà chính là nghệ thuật. Trong nghệ thuật chế tạo tourbillon, các bậc thầy luôn tìm cách phá vỡ mọi giới hạn do chính mình tạo ra. Antoine Preziuso giới thiệu chiếc Triple Tourbillon có tới 3 tourbillon kết hợp với nhau, xoay quanh mặt số và tạo thành “tourbillon thứ 4”.
Vì sao mọi người chi hàng triệu USD cho đồng hồ tourbillon
Vậy, tại sao mọi người mua đồng hồ tourbillon? Tại sao tourbillon trở thành tính năng tiêu biểu của những chiếc đồng hồ đắt nhất? Nếu bạn nghĩ đó là độ chính xác thì hãy suy nghĩ lại.
Tourbillon hoạt động tốt nhất trong đồng hồ bỏ túi vì chúng ít bị di chuyển và hướng chuyển động cũng đơn giản. Ngược lại, một chiếc đồng hồ đeo tay di chuyển theo nhiều hướng phức tạp. Do đó, tourbillon 2 chiều không thể cân bằng các chuyển động 3 chiều bằng phương tiện cơ học.
Nếu thực sự quan tâm đến độ chính xác thời gian, bạn nên mua một chiếc Apple Watch, phiên bản đắt nhất có giá khoảng 1.600 USD, chưa bằng con số lẻ của đồng hồ tourbillon. Ngay cả đồng hồ thạch anh cũng chính xác hơn bất kỳ chiếc đồng hồ tourbillon nào. Giá trị của tourbillon nằm ở chỗ khác.
Đầu tiên, nó cho chúng ta mơ ước về tương lai, nơi những trở ngại có thể được gỡ bỏ và đạt tới mức hoàn hảo. Không có gì mạnh mẽ hơn một giấc mơ. Thứ hai, đồng hồ tourbillon là một món quà kỷ niệm tuyệt vời, xa xỉ và đẳng cấp. Có thể xem việc nhìn vào nó như chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật.
Thứ ba, tourbillon nhắc nhở chúng ta rằng không phải mọi thứ trong cuộc sống đều mang một chức năng nào đó và không phải điều gì cũng cần có ý nghĩa.
Và cuối cùng, giá trị của tourbillon nằm ở sự phức tạp và khó khăn trong quá trình chế tác.
Tourbillon có thể được xem là tính năng biểu tượng. Chức năng hạn chế, nhưng được chế tác công phu, tinh xảo, rất hiếm gặp và lôi cuốn cảm xúc người nhìn. Nó trở thành nguồn cảm hứng vô tận, đỉnh cao của việc làm chủ sự phức tạp, đồng thời thách thức giới hạn khả năng của các nghệ nhân.
Nguyễn Hiếu
Theo SCMP