Quảng Trị:

Đầu năm, doanh nghiệp may "đỏ mắt" tìm lao động

Đăng Đức

(Dân trí) - Dù đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ như hỗ trợ tiền nhưng nhiều doanh nghiệp tại Quảng Trị, đặc biệt một số doanh nghiệp ngành dệt may vẫn thiếu hàng nghìn lao động, nhất là người có tay nghề.

Doanh nghiệp may cần hàng nghìn công nhân

Dịch Covid-19 lan rộng vào giữa cuối năm 2021 khiến hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam phải hồi hương. Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị quyết định mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động.

Để giữ chân lao động lành nghề, chất lượng cao về từ phía Nam, các doanh nghiệp còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Theo khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, dịp này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp may xuất khẩu.

Đầu năm, doanh nghiệp may đỏ mắt tìm lao động - 1

Không khí làm việc phấn khởi từ những ngày đầu năm tại Công ty CP may XNK Tân Định, huyện Cam Lộ.

Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Công ty CP may Xuất nhập khẩu Tân Định (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã duy trì sản xuất, tạo việc làm, thu nhập tương đối ổn định cho người lao động.

Hiện tại, công ty này có 130 lao động, trong khi quy mô sản xuất cần đến 250 người. Thời gian qua, công ty đã thu hút được 50 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam vào làm. Từ khâu tuyển dụng đến quá trình làm việc, công ty cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho số lao động này để mong giữ chân công nhân làm việc lâu dài.

Theo bà Ngô Thị Hồng Tuyết - Phó Giám đốc Công ty CP may Xuất nhập khẩu Tân Định, trong năm nay, các đơn hàng, hợp đồng đã tái ký, nên hiện công ty đã đăng tuyển dụng 100 lao động.

Đầu năm, doanh nghiệp may đỏ mắt tìm lao động - 2

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Trị tặng quà đến công ty may nhân dịp đầu năm.

Trở về quê từ tháng 7/2021, sau thời gian cách ly theo quy định, chị Trần Thị Lệ (23 tuổi, trú tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) xin vào làm việc tại Công ty CP may Xuất nhập khẩu Tân Định. Hiện thu nhập mỗi tháng của chị Lệ khoảng 5-6 triệu đồng. Khi vào làm việc tại công ty, chị được hỗ trợ thêm một triệu đồng…

Đầu năm, doanh nghiệp may đỏ mắt tìm lao động - 3

Công nhân được lì xì đầu năm mới.

"Điều kiện làm việc tại công ty rất tốt, cũng như các doanh nghiệp may ở miền Nam. Do đó, tôi sẽ cố gắng nỗ lực trong công việc để có được thu nhập cao hơn", chị Lệ chia sẻ.

Tương tự, Công ty CP phát triển may mặc miền Trung, ở Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) đi vào hoạt động từ năm 2018, vận hành 8 chuyền may với 400 lao động. Hiện tại, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 300 lao động.

Trong thời gian tới, công ty sẽ mở thêm chi nhánh tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong và cần tuyển thêm 200 công nhân. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng công nhân khá nhiều nhưng đến nay, số người nộp đơn ứng tuyển rất hạn chế.

Để thu hút lao động có tay nghề về từ các tỉnh phía Nam, công ty đưa ra chính sách ưu tiên để tuyển dụng như hỗ trợ tiền lương đến một triệu đồng trong 3 tháng đối với những lao động có tay nghề. Ngoài ra, chính sách tiền lương năm 2022 có điều chỉnh cao hơn các năm trước với mức lương từ 4,5-10 triệu đồng tùy vào năng lực. Không chỉ ưu tiên lao động lành nghề, với những lao động khác, nếu có nhu cầu, công ty cũng sẽ tuyển dụng và tiến hành đào tạo nghề.

Bỏ mức lương 20 triệu, kỹ sư quyết định gắn bó ở quê

Trong khi nhiều người còn đắn đo, lựa chọn giữa việc trở lại phía Nam hay ở lại quê hương thì một số lao động tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá đã quyết định sẽ ở lại, gắn bó với quê nhà.

Từng có 9 năm kinh nghiệm làm kỹ sư xây dựng dân dụng tại TPHCM với mức lương mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, nhưng dịch bệnh phức tạp nên cuối năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Song (36 tuổi, trú tại thành phố Đông Hà) chọn trở về Quảng Trị sinh sống. Nắm bắt thông tin Công ty TNHH Thương mại số 1 - Đoàn Luyến (thành phố Đông Hà) tuyển dụng kỹ sư xây dựng, anh Song ứng tuyển.

Đầu năm, doanh nghiệp may đỏ mắt tìm lao động - 4

Lãnh đạo Sở Công thương thăm Công ty Đoàn Luyến dịp đầu năm (Ảnh: H.T).

Khi vào làm việc, công ty bố trí cho anh Song công việc phù hợp với chuyên môn, với mức lương 15 triệu đồng, các chế độ khác cũng đảm bảo.

"Khi có ý định trở lại quê hương, tôi lo lắng về công việc và thu nhập. Nhưng may mắn tìm được môi trường làm việc rất tốt, dù thu nhập thấp hơn so với làm việc ở TPHCM nhưng sinh hoạt ít tốn kém, thuận lợi, tiết kiệm được nhiều tiền hơn nên tôi quyết định sẽ ở lại quê, không ly hương nữa", anh Song nói.

Hiện nay, Công ty Đoàn Luyến đang mở rộng sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động vào làm việc, ưu tiên những công nhân lành nghề, có kinh nghiệm. Đây là cơ hội cho người lao động trở về từ phía Nam chưa tìm được việc làm.

Đến thăm, tặng quà, đồng thời khảo sát một số doanh nghiệp có đông lao động nhân dịp đầu năm, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp may mặc đang mở rộng sản xuất, nhu cầu thu hút lao động vào làm việc rất lớn.

Đầu năm, doanh nghiệp may đỏ mắt tìm lao động - 5

Một số doanh nghiệp may có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động, tạo cơ hội cho người về từ phía Nam.

Do đó, Sở Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh do gián đoạn trong năm 2021, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương trong khuyến công, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Tỉnh Quảng Trị có gần 4.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng gần 53.000 lao động. Thống kê của cơ quan chức năng, hiện các công ty may mặc và các công ty khác trong và ngoài Khu công nghiệp, Khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng khoảng 3.800 lao động, riêng ngành may mặc có nhu cầu tuyển 1.750 lao động. Trong khi đó, người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê với số lượng khá lớn, khoảng 3.400 người.

Thời gian qua, nhằm ổn định cuộc sống cho lao động về từ phía Nam, đảm bảo an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động…