Đấu giá áo của đội tuyển U23, điều chỉnh tuổi hưu, cảnh báo xâm hại trẻ em…
(Dân trí) - Thời gian của năm 2018 đang dần kết thúc. Chuyên mục Việc làm (Báo Dân trí) xin được bình chọn 9 vấn đề, sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong lĩnh vực Lao động - thương binh và xã hội của năm 2018.
1. Quy định thời gian điều chỉnh tuổi hưu cho lao động nam và nữ
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được ban hành ngày 23/5/2018.
Theo đó, chính sách sẽ tác động tới lĩnh vực bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp sẽ có những điều chỉnh, liên quan tới quyền lợi của hàng chục triệu người lao động. Đồng thời, hệ thống bảo hiểm xã được thiết kế theo hướng đa tầng, đáp ứng tốt hơn người người và nhiều tầng lớp trong xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, việc xác định năm 2021 là mốc thời điểm bắt đầu điều chỉnh tuổi hưu của lao động nam và nữ là một điểm nhấn lớn trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đây là căn cứ để Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các quy định liên quan tới người lao động trong dự thảo sửa Luật Lao động 2012.
2. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tới giữa năm 2018, kết quả công tác giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6.7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm.
Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã quyết định tổ chức Hội nghị biểu dương các huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo; Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH tặng bằng khen cho 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 20 hộ gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo…
3. Khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ vào ngày 26/07/2018. Cổng thông tin điện tử đã tích hợp thông tin của 846.700 mộ liệt sĩ từ hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, chiếm tỉ lệ trên 96 % tổng số mộ liệt sĩ có dữ liệu, hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ...
Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành một kênh thông tin quan trọng hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin về người thân đã hy sinh, giúp chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và là sự tri ân đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh vì đất nước.
4. Hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), ước tính tới 31/12/2018, cả nước sẽ có hơn 140.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Thị trường Nhật Bản được xem là điểm đến số 1 của lao động Việt, tiếp sau là thị trường Đài Loan, Hàn Quốc...Tới nay, Việt Nam đã phái cử được trên 100.000 lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản.
Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản tăng dần từng năm (năm 2015: 27.010 người; 2016: 39.938 người, 2017: 54.504 người).
5. Đấu giá áo và bóng thi đấu của Đội tuyển U23 VN.
Tháng 2/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố thông tin về chương trình đấu giá chiếc áo và quả bóng của Đội tuyển U23 tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Được biết, mức giá khởi điểm cho 2 hiện vật trên là 2 tỉ đồng.
Cụ thể, các hiện vật được tổ chức đấu giá gồm 1 quả bóng đá, 1 áo đấu có đầy đủ chữ ký của các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam vừa đoạt danh hiệu á quân Giải Vô địch U23 Châu Á tại Thường Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
Sau 6 ngày tổ chức đấu giá thông qua điện thoại, email tới Bộ LĐ-TB&XH, Ban tổ chức đã tìm ra được chủ nhân mới của 2 hiện vật trên với số tiền trúng đấu giá là 20 tỷ đồng.
Kinh phí đấu giá áo và bóng được dùng để hỗ trợ việc xây dựng 500 căn nhà người nghèo trong 20 huyện nghèo nhất cả nước.
6. Bộ LĐ-TB&XH: Chỉ số cải cách hành chính từ "bết bát" vượt lên nhóm đầu
Kết quả chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 02/5/2018 đã phán ánh đúng quá trình hoạt động của nhiều bộ, ngành. Trong đó, nổi bật nhất là nỗ lực "vượt cạn" của Bộ LĐ-TB&XH: Từ vị trí "bết bát" của năm trước, nay đã vượt lên nhóm dẫn đầu.
Trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai việc cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 56,07%, trong đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ 43%, an toàn lao động 33% và phòng, chống tệ nạn xã hội 22%....Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã bãi bỏ, đơn giản hóa 78 thủ tục hành chính.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang được giao quản lý 13 lĩnh vực lớn trong đời sống dân sinh, như: Việc làm, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn lao động…Trong đó, nhiều lĩnh vực đang có sự cải thiện rõ nét trong thực hiện thủ tục hành chính.
7. Cảnh báo về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em
Năm 2018, nhiều vụ xâm hại trẻ em đã được báo chí và xã hội phát hiện. Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có trung bình 2.000 vụ bạo lực trẻ em xảy ra mỗi năm. Thậm chí thực tế có thể còn cao hơn nữa vì chưa được báo cáo đầy đủ. Riêng về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, có khoảng 20 % các vụ có nguyên nhân từ người thân gây ra.
Việt Nam có khá đầy đủ các quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, như Luật Trẻ em, các nghị định liên quan…Nhưng Việt Nam cũng có tới cả nước có 17 cơ quan liên quan tới công tác trẻ em.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: "Thời gian qua có một số vụ còn để kéo dài, chưa xử nghiêm. Đặc biệt, có vụ phải cần tới ý kiến của các lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Trên cơ sở đó, tôi đề nghị các cấp, các ngành đánh giá thực chất lại hoạt động của mình".
Liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em với 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã, là cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, cùng sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu. Qua đó, nhiều kiến nghị và giải pháp của các cấp, các ngành nhằm hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em đã được đưa ra bàn thảo...
8. Ra mắt ứng dụng chọn nghề - chọn trường trên thiết bị di động
Gần 2 năm kể từ khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tháng 6/2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố ứng dụng chọn nghề - chọn trường trên thiết bị di động.
Ứng dụng nhằm hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh và hỗ trợ học sinh, thí sinh, người học, phụ huynh, người lao động có thêm một kênh thông tin tổng hợp, tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề đào tạo, chọn trường.
Cơ sở dữ liệu của ứng dụng chọn nghề - chọn trường cập nhật toàn bộ danh mục nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp bao gồm 854 nghề, trong đó: 821 nghề trình độ Trung cấp, 558 nghề trình độ cao đẳng. Thông tin mô tả các nghề đào tạo: 213 nghề được cập nhật thông tin. Ngoài ra, ứng dụng còn lưu trữ danh sách và địa chỉ hơn 900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 380 trường cao đẳng; 503 trường Trung cấp; 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác...
9. Tranh luận việc có nên hợp pháp hoá mại dâm?
Vấn đề nghiên cứu, thay thế Pháp lệnh phòng, chống mại dâm bằng Luật phòng, chống mại dâm đang được Bộ LĐ-TB&XH tham khảo và những triển khai bước đầu.
Tại Việt Nam, các địa phương ước tính có khoảng hơn 10.000 người bán dâm, trong đó chủ yếu là nữ giới. Hiện nay, nhiều hình thức môi giới mại dâm mới đã xuất hiện như liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội facebook, zalo hoặc di chuyển bằng xe máy. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp thực tế đấu tranh, phòng, chống mại dâm.
Liên quan tới vấn đề mại dâm, một số ý kiến trái chiều cho rằng khi không thể cấm được triệt để thì có nên tạm coi mại dâm là hợp pháp trong khuôn khổ giám sát của pháp luật? Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong xã hội.
Hoàng Mạnh tổng hợp