Hướng dẫn viên du lịch bật mí lí do không được gọi khách là "mọi người"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Tại sao hướng dẫn viên du lịch không được gọi khách là mọi người?", dòng chia sẻ trên mạng xã hội khiến cư dân mạng bàn tán.

Chiều lòng khách khó tính

Mới đây, mạng xã hội xôn xao bài viết về chủ đề cách xưng hô của hướng dẫn viên du lịch với du khách, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Dưới phần bình luận, cộng đồng mạng tranh luận việc nếu không được gọi khách là "mọi người", hướng dẫn viên thực tế phải gọi bằng cách nào khác.

Hướng dẫn viên du lịch bật mí lí do không được gọi khách là mọi người - 1

Hướng dẫn viên du lịch phải tránh nhiều điều cấm kỵ trong giao tiếp để không làm phật lòng khách (Ảnh minh họa: Chú Chảnh).

Lý giải về vấn đề này, Bích Ngân (25 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ, hướng dẫn viên du lịch khi vào nghề, luôn được dạy một nguyên tắc chính là tuyệt đối không được gọi khách là "mọi người".

"Trong một chuyến đi, du khách thường ở các độ tuổi khác nhau. Việc gọi mọi người sẽ không phù hợp với các du khách lớn tuổi. Đây là cách xưng hô thể hiện sự không chuyên nghiệp và tạo cảm giác khó chịu đối với những vị khách khó tính", Ngân chia sẻ.

Cô vẫn chưa quên được khoảnh khắc vô tình gọi "mọi người" và bị du khách phản ứng lại rằng: "Ai là người? Ai là mọi", khiến nữ hướng dẫn viên "nhớ đời".

Hướng dẫn viên du lịch bật mí lí do không được gọi khách là mọi người - 2

Không riêng nguyên tắc giao tiếp này, Ngân cho hay có nhiều điều cấm kỵ mà hướng dẫn viên du lịch phải tránh (Ảnh minh họa: NVCC).

"Chúng tôi không được đưa ra ý kiến cá nhân mỗi khi thuyết trình cho du khách, để tránh đưa thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về địa danh, lịch sự. Đối với chúng tôi, trễ 1 phút cũng là trễ, vì vậy không có chuyện "đầu tàu" không đúng giờ, làm ảnh hưởng đến cả đoàn", Ngân nói.

Khi trò chuyện, hướng dẫn viên phải chắc chắn chia sẻ những thông tin chính xác và rõ ràng nhất, đồng thời thể hiện sự vui vẻ, nhiệt tình. Trong nhiều tình huống, hướng dẫn viên du lịch phải hạn chế tiếp xúc riêng với du khách, tuyệt đối không được hỏi thông tin cá nhân để liên lạc ngoài mục đích công việc.

"Có nhiều hướng dẫn viên đã bị cho thôi việc vì tán tỉnh du khách trong hoặc sau chuyến đi. Không ít du khách dù đồng ý trao đổi thông tin liên lạc nhưng sau đó chủ động báo cáo sự việc cho công ty. Vì thế, ngoài công việc, đừng dẫn đoàn với mục đích tìm được bạn đời", Ngân nhấn mạnh.

Nghề "làm một mùa ăn cả năm"

Thanh Xuân (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) bộc bạch hướng dẫn viên du lịch thường được mệnh danh là nghề "làm một mùa ăn cả năm". Trong mùa cao điểm như các tháng hè (từ tháng 4 đến tháng 7), Xuân có thể kiếm được khoảng 30 triệu đồng/tháng, đỉnh điểm là 50-60 triệu đồng. Trung bình, sau khi trừ các chi phí, thu nhập anh có được là 5-10 triệu đồng/đoàn.

Không những vậy, Xuân có thể nhận thêm vài công việc thời vụ, chẳng hạn như dẫn đoàn khách du lịch nước ngoài tham quan thành phố, với thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng/buổi/đoàn.

Vì vậy, lúc cao điểm là thời gian Xuân và đồng nghiệp tranh thủ "cày", thậm chí có lúc xa nhà vài tháng, liên tục ngồi trên máy bay, ô tô đi khắp các tỉnh, thành. Nhờ vậy, ở những tháng thấp điểm, Xuân có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn và nhận những công việc thời vụ khác.

Hướng dẫn viên du lịch bật mí lí do không được gọi khách là mọi người - 3

Công việc cho thu nhập cao, nhưng những hướng dẫn viên du lịch phải đối mặt với nhiều áp lực, vất vả (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Tuy nhiên, nam hướng dẫn viên phải đánh đổi sức khỏe vì công việc rất vất vả. Để chu toàn công việc, anh luôn là người thức khuya, dậy sớm hơn du khách. Trong lúc di chuyển, Xuân cũng hiếm khi được chợp mắt hoặc chỉ ngủ chập chờn vì lo lắng sẽ ngủ quên, bỏ qua các điểm cần giới thiệu, không kịp đánh thức du khách trước khi tới điểm tham quan.

Đối với những chuyến bay đêm, đi nước ngoài, anh Xuân hầu như không ngủ vì bận xử lý, chăm sóc cho khách, "căng não" đảm bảo không một ai bị bỏ lại.

"Đoàn khách rất đông người, bản thân khó có thể làm hài lòng tất cả. Có lần, tôi còn bị du khách mắng khi vừa kết thúc chuyến đi, vì những điều hiểu lầm không đáng có. Lúc ấy, bản thân chỉ có thể cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy ngược vào trong", Xuân trải lòng.

Phạm Thu Trang (25 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang) bày tỏ đây là công việc khó khăn hơn đối với nữ giới. 

Một trong những tình huống oái oăm nhất của Trang chính là khi du lịch dài ngày, du khách hoặc tài xế thường có thiện cảm và tôn trọng ban đầu đối với hướng dẫn viên. Do đó, đôi khi có thể xuất hiện những lời nói mang tính trêu chọc.

Trong những tình huống như vậy, hướng dẫn viên cần chủ động giữ thái độ chuyên nghiệp, cảnh giác và tránh đáp trả theo cách có thể khiến du khách hoặc tài xế hiểu lầm rằng mình cũng có tình cảm đặc biệt với họ. Đây là một kỹ năng quan trọng trong nghiệp vụ của hướng dẫn viên.

"Một số công ty không có tâm, họ sẽ sắp xếp cho nữ hướng dẫn viên ngủ chung phòng nam tài xế. Điều này thường xảy ra vào các mùa cao điểm, khi các khách sạn đã kín phòng", Trang nói.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu