1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Vẫn có người làm đơn xin thoát nghèo tới 2 lần”

(Dân trí) - “Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017. Xuất hiện nhiều gương sáng vượt khó, thoát nghèo bền vững. Có những cá nhân còn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo tới 2 lần”.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng khen tới các cá nhân và tập thể có thành tích giảm nghèo. (Ảnh: Dũng Mạnh)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng khen tới các cá nhân và tập thể có thành tích giảm nghèo. (Ảnh: Dũng Mạnh)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016-2020. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.

Giảm tỷ lệ nghèo bình quân 1,59%/năm

Khẳng định chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo chương trình Nghị sự của Liên hiệp Quốc đề ra.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 76/2014/QH13, Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg xác định các mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2016-2020, trong đó có các mục tiêu cơ bản đến năm 2020.

Tới dự Chương trình có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm; phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện các mục tiêu trên, Quốc hội đã đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng để tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 Dự án lớn, hình thành các chính sách giảm nghèo thường xuyên, như chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng, pháp lý. Đồng thời, các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất được ban hành và thực hiện, hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro như tiên tai, lũ lụt…


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

“Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 6.7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nhiều tấm gương sáng

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đã có nhiều địa phương, hộ gia đình có nhiều giải pháp phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.

Điển hình như huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), bằng nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao.

Câu chuyện giảm nghèo ở huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) cũng là một ví dụ. Tân Sơn là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng.

Bên cạnh kết quả đạt được khả quan về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước…

Huyện đã lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông - lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017, giảm gần 40% so với 10 năm trước.

Bên cạnh đó, các gương điển hình của các hộ thoát nghèo trong thời gian qua cũng đã góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Đồng thời tạo sự lan tỏa rộng rãi không chỉ trong địa phương, mà còn được lan tỏa sang các tỉnh lân cận.

“Câu chuyện về hộ gia đình chị Phạm Thị Tiết, dân tộc H’re, thuộc thôn 1 xã Nghĩa Sơn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ. Từ việc tích cực lao động, chị Tiết đã chủ động sản xuất nâng cao thu nhập lên 45 triệu đồng/năm. Bản than chị đã 2 lần viết đơn xin thoát nghèo” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hộ gia đình Chị H’Lan, dân tộc Mạ thuộc xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, năm 2015-2016, chị là hộ nghèo. Năm 2016, chị được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UNDP tổ chức.

Chị H’Lan tham dự cuộc thi nhờ được học hỏi kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn phương thức sản xuất, cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Tới nay, gia đình chị đã có mức thu nhập lên đến 180 triệu đồng/năm. Năm 2017, chị H’Lan đã thoát nghèo.

Bên cạnh việc đánh giá những điểm tích cực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhận định: “Kết quả giảm nghèo cũng còn có những hạn chế nhất định. Đơn cử như tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm. Còn nhiều hộ nghèo mới phát sinh, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thực sự được thu hẹp”.

Trên cơ sở thực tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đại diện các huyện, xã và các hộ gia đình được biểu dương tại Hội nghị chủ động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, qua đó tạo sự lan tỏa ra cả nước, khuyến khích các huyện, xã, hộ gia đình khác tích cực vươn lên thoát nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Với sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Quốc hội, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc khai thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đến năm 2020 chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững đã đề ra “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”.

Hoàng Mạnh