Đằng sau mức thu nhập tiền tỷ của nghề "diễn viên TikTok"
(Dân trí) - Bắt đầu dựng clip từ 7h tối, đến lúc mở rèm ra thấy mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, đồng hồ điểm 10h sáng, Phúc mới tắt máy tính để đi ngủ.
Là gương mặt quen thuộc trên TikTok và Reel Facebook, Phúc Syno (28 tuổi, sống tại Sài Gòn) góp mặt trên nhiều kênh TikTok của đủ các nhãn hàng, từ quán ốc, tiệm trà sữa, spa đến cả công ty sản xuất thiết bị điện tử,... Ở đó, Phúc làm diễn viên cho các tiểu phẩm hài ngắn chỉ dưới 2 phút.
Mỗi thời điểm, Phúc cùng vài người bạn trong nhóm của mình hợp tác với hàng chục nhãn hàng, mỗi nhãn hàng thường đặt hàng một gói xây kênh, mức giá tầm hơn 1 tỷ đồng.
"Tính cả năm 2024 thì có vài chục nhãn hàng, còn thời điểm hiện tại, tôi đang hợp tác với 10 nhãn hàng. Công việc của chúng tôi phải làm việc liên tục, gần như không có thời gian nghỉ", Phúc nói.
Phao cứu sinh lúc thất nghiệp
Xuất thân là sinh viên sân khấu điện ảnh, từng ở đỉnh cao khi làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty bất động sản rồi rơi xuống vực thẳm khi công ty phá sản, thất nghiệp ngay trong đợt dịch Covid-19, Phúc định buông xuôi vì 2 năm không có việc làm và số nợ tiền tỷ tăng theo thời gian.
Một lần đi uống cà phê với bạn thân, Phúc quay một clip tiểu phẩm ngắn. Đoạn clip vô tình trở nên "viral" trên TikTok, cậu thành ra thích thú với mạng xã hội này. Đến clip thứ 3, một vài nhãn hàng nhắn tin cho Phúc đề nghị được hợp tác.
Cậu kể: "Lúc đó chỉ nghĩ quay cho vui thôi chứ không nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Rồi khi được mời hợp tác với 1-1,5 triệu đồng một clip, tôi quyết định thử".
Tháng đầu tiên xây kênh TikTok và nhận review cho các nhãn hàng, thu nhập của Phúc lên đến 50 triệu đồng. Lúc này, Phúc nhận ra có thể xem đây là công việc để kiếm tiền trả nợ một cách chân chính.
Gần 2 năm kể từ ngày bắt đầu xây kênh TikTok cá nhân, Phúc kiếm được vài tỷ đồng từ quảng cáo và thù lao xây kênh cho các nhãn hàng. Khi số tiền nợ được trả hết vào Tết năm ngoái, Phúc bắt đầu nghiêm túc hơn với công việc xây kênh TikTok.
"Có nhiều thương hiệu đã rất nổi tiếng rồi nhưng vẫn nhờ tôi xây kênh như một cách để duy trì sự phủ sóng. Thực sự các nhãn hàng bây giờ không ai muốn nằm ngoài cuộc chơi của TikTok", Phúc Syno đúc kết.
Làm việc với 10 nhãn hàng cùng một thời điểm, Phúc và một số bạn bè cùng team phải sản xuất khoảng 10 clip mỗi ngày. Và công thức được rút ra, nếu muốn duy trì công việc lâu dài thì phải cầu toàn với từng clip một dù chỉ kéo dài khoảng trên dưới 1 phút. Khối lượng công việc lớn cũng đòi hỏi mọi người cùng team của Phúc phải liên tục sáng tạo, làm việc không ngừng và luôn có ý thức làm mới chính mình.
"Nếu chỉ chơi TikTok cho vui, thỉnh thoảng có vài nhãn hàng họ đặt hàng để review kiếm thêm ít tiền thì khác. Nhưng nếu xem việc sản xuất và xây kênh TikTok là một công việc lâu dài, thái độ cần có với từng sản phẩm phải rất khác. Tôi phải tập một thói quen là cảm thấy bứt rứt khi mỗi ngày không có ý tưởng mới và không có clip mới", Phúc chia sẻ về chuyện đảm bảo chất lượng sản phẩm, dù là "mì ăn liền".
Thái độ đó, theo Phúc, đã cho cậu một hành trình suôn sẻ, chắc chắn trong công việc. Phúc kể, có những nhãn hàng trước khi Phúc vào xây kênh chỉ mới có 2 chi nhánh, nhưng chỉ sau vài ba tháng đã thêm 4-5 chi nhánh mới.
Cậu quả quyết: "Tất nhiên họ cũng phải có tiềm lực nữa thì mới có thể được như vậy. Nhưng tôi chắc chắn phải có lý do để nhãn hàng trả cho chúng tôi cả tỷ đồng chỉ để xây kênh. Khi nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy có động lực và lý do để làm tiếp".
Sau những khách hàng ở Sài Gòn, Bình Dương, sự hài hước, dí dỏm của Phúc thu hút cả những nhãn hàng ở Đà Lạt, Hà Nội và các tỉnh miền Tây.
Từ mức giá 1 triệu đồng/clip đầu tiên, nay Phúc nhận được 2,5-3 triệu đồng/clip. Thông thường, mỗi một nhãn hàng thuê trọn gói 1 năm với 400-500 clips. Hiện nay, kênh Tiktok cá nhân của Phúc đạt 1 triệu followers (người theo dõi).
Nhiều kênh được Tiktoker này bắt tay làm với con số "0", sau vài tháng có thể lên vài chục nghìn, thậm chí vài trăm nghìn lượt người theo dõi, nhất là sau những clip đạt "triệu view".
Tính đến khi mức thù lao đạt 20 triệu đồng một clip, Phúc mới dám tin đã "có sao, có số", "là một chấm nhỏ trên bản đồ TikTok".
Hiện nay, team của Phúc có khoảng 15-17 bạn trẻ cùng làm việc, đa phần là những người tìm đến học việc và phát triển kênh dần dần.
TikToker không mới hơn mỗi ngày là bắt đầu… tự đào thải
Từ khi chuyển hẳn sang nghề diễn viên TikTok và xây kênh TikTok, đồng hồ sinh học của Phúc hoàn toàn thay đổi. Phúc cho biết: "Tôi thường xuyên làm việc xuyên đêm, khi nào xong các kịch bản cho ngày quay hôm sau hoặc dựng xong clip cho khách hàng tôi mới đi ngủ và thời điểm đó thường 9-10h hôm sau. Đến 2h chiều tôi lại dậy đi quay".
Chỉ xuất hiện đôi phút trên mỗi clip trên mạng nhưng đằng sau đó là cả một hành trình làm việc tỉ mỉ. Phúc khẳng định, không có đồng tiền nào dễ kiếm và không có nghề nào là ngồi mát ăn bát vàng.
"Tôi phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng. Tôi rất nhớ vào giao thừa năm ngoái, khi đã chuẩn bị mọi đồ đạc để về quê thì một nhãn hàng tha thiết thuê tôi quay một clip và họ đồng ý ngay với mức phí 10 triệu đồng.
Đó là mức phí cao nhất tôi từng nhận thời điểm 1 năm trước. Tôi đồng ý đi làm trong đêm giao thừa vì lúc đó ám ảnh về việc phải trả hàng chục triệu tiền lãi vào ngày 15 hàng tháng. Quay xong tôi mới quày quả lên chuyến xe cuối cùng để về quê với gia đình", nam TikToker bùi ngùi.
Sở hữu gương mặt bầu bĩnh, Phúc thường được các quán ăn, quán cafe săn đón. Có những thời điểm cậu phải đi ăn 5 quán mỗi ngày, kết quả là tăng từ 72kg (thời điểm năm 2022) lên 95kg hiện tại. Phúc tâm niệm, cố gắng không bỏ thừa thức ăn vì biết đó là cách tôn trọng khách hàng.
Sống bằng nghề diễn viên mạng và xây kênh TikTok, với Phúc, quan trọng vẫn là sự cần mẫn và nghiêm túc với nghề. Thời gian đầu kiếm tiền từ nền tảng này, Phúc cho rằng may mắn chiếm tới 80%, nhưng khi xem nó là một nghề, khái niệm may phải thay bằng nỗ lực, thực lực bởi cuộc cạnh tranh hiện quá lớn, một người không tiến bộ hơn, mới mẻ hơn so với hôm qua là tự rơi vào quá trình đào thải.
Phúc khẳng định, điều giúp cậu và nhóm của mình không cạn ý tưởng, nội dung hấp dẫn dù công việc lặp lại mỗi ngày là "luôn luôn đau đáu với mỗi sản phẩm".
"Khi đi trên đường, đôi khi nghe một âm thanh nào đó, nhìn thấy một hình ảnh nào đó cũng sẽ cho tôi ý tưởng. Có nhiều lần đang chạy xe, tự dưng có một ý tưởng xẹt qua trong đầu, tôi tấp vội vào lề đường, tự nói ra và ghi âm lại bằng điện thoại. Vì khoảnh khắc đó sẽ trôi qua rất nhanh, nếu không ghi lại thì có thể sẽ không bao giờ nhớ lại được.
Chỉ khi nào thực sự ý thức được rằng phải chớp mọi cơ hội và biến tất cả những điều bình thường xung quanh cuộc sống này thành ý tưởng cho sản phẩm thì một TikToker mới có thể gắn bó với nghề", Phúc chiêm nghiệm.
Thời gian đầu làm TikTok, mỗi ngày Phúc chỉ ngủ 3-4 tiếng vì vừa có áp lực trả nợ, vừa mong muốn sản phẩm làm ra phải hoàn hảo nhất. Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm và quen việc hơn, mỗi ngày Phúc đã có thể ngủ 5-6 tiếng. Nhưng ngay cả khi không làm việc, Phúc cho biết đầu óc vẫn luôn bật chế độ nuôi ý tưởng.
Đường vòng để quay về nghề nghệ thuật
Vốn xuất thân là một sinh viên, tiếp xúc với điện ảnh chính thống, Phúc cho biết đã có một thời gian dài "dị ứng" với các nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là những người đóng phim "mì ăn liền" trên mạng. Tuy nhiên, 2 năm làm nghề nghiêm túc trên không gian này đã cho Phúc một góc nhìn khác.
Phúc chia sẻ: "Chỉ cần mình nghiêm túc thì tác phẩm trình diễn ở đâu cũng đáng được tôn trọng. Trên mạng xã hội tôi vừa kiếm được tiền, vừa mở rộng được các mối quan hệ với rất nhiều cô chú, anh chị diễn viên gạo cội mà tôi từng nghĩ sẽ phải rất lâu nữa mình mới có cơ hội nói chuyện".
Phúc kể đã có những thời gian "đóng kịch thì bị đuổi khỏi sân khấu, đi đóng vai quần chúng trong phim thì bị đuổi khỏi phim trường, đi vỗ tay thuê cho gameshow thì bị quỵt tiền cát-xê". Lúc đó Phúc đã nghĩ, nghề diễn viên bạc bẽo quá. Dù vậy, cậu vẫn thích diễn.
Khi có chỗ đứng trên Tiktok, Phúc nhận ra bản thân đang đi đường vòng để quay lại với đam mê ban đầu.
"Hơi khó khăn và nhiều người nghĩ rằng làm diễn viên TikTok không chính thống, nhưng một khi nghề nuôi sống mình bằng đồng tiền chân chính thì tôi có quyền tự hào về những gì mình đang làm", Phúc đáp.
Có không ít người trẻ từng theo Phúc học đóng clip ngắn, xây kênh TikTok, mong kiếm tiền từ quảng cáo. Phúc nói ước mơ lớn là động lực giúp nhiều người có thể sống bằng nghề sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Với Phúc, cuộc cạnh tranh trên các nền tảng đã vô cùng khắc nghiệt, nhưng nếu chịu khó đào sâu, mày mò và không ngừng học hỏi thì chắc chắn vẫn còn "đất" để phát triển.
"Tôi không biết TikTok còn nổi đến bao giờ, thời điểm thoái trào có thể không quá xa. Sau hết, tôi muốn xây dựng phần cốt lõi của mình là làm nghệ thuật chân chính. Và tôi tin, thái độ nghiêm túc sẽ mang lại kết quả tốt", Phúc tâm niệm.