Dân vạn chài nhọc nhằn mưu sinh ngày đầu năm

Sáng mồng 2 Tết (tức 9.2.2016), khi nhà nhà đang xúng xính quần áo đẹp để du xuân, vui tết thì ở những làng vạn chài huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An), cả người già lẫn trẻ nhỏ lang thang dọc các bãi biển để đào nghêu, bắt sò, tranh thủ kiếm thêm thu nhập.


Đại gia đình ông Nguyễn Văn Sinh thay vì ở nhà đi chơi Tết thì lại kéo nhau đi làm, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: C.T.L

Đại gia đình ông Nguyễn Văn Sinh thay vì ở nhà đi chơi Tết thì lại kéo nhau đi làm, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: C.T.L

3 tiếng đánh được hơn 1 cân cá

Vợ chồng chị Hoàn, anh Đông và con trai vật vã mưu sinh ngày mùng 2 Tết. Ảnh: C.T.L
Vợ chồng chị Hoàn, anh Đông và con trai vật vã mưu sinh ngày mùng 2 Tết. Ảnh: C.T.L

Những xóm chài huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu mùa này vắng lặng, chỉ còn nghe rõ bên tai tiếng phi lao rì rào, tiếng sóng biển mơn man đều lên cát. Ngày thứ 2 của năm mới, nắng lên chói chang cả một không gian im như tờ nhưng cái rét vùng biển vẫn ngọt. Thủy triều lên đem theo cả những tinh túy của biển cả, dạt vào bờ biển. Nhấp nhô đầu sóng là những mái đầu trẻ nhỏ, những tấm lưng người già đang cặm cụi nhặt nhạnh, từ sáng đến quá trưa mới được hai, ba cân nghêu bán lấy tiền.

Vợ chồng chị Hồ Thị Hoàn (39 tuổi) và anh Phạm Văn Đông (44 tuổi), trú tại xóm 3 xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) mới ngày đầu năm đã phải tranh thủ đi thuyền kéo cá.

Giữa cái nắng chói chang, hai vợ chồng cùng đứa con trai 13 tuổi nhăn nhó đẩy thuyền lên bờ, mặt buồn rười rượi vì kết quả của 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển là một ít cá, ghẹ bé tí ti. Bờ cát lổm nhổm vỏ sò lẫn thủy tinh sắc lẹm, 3 đôi chân trần cứ thế ghim chặt xuống đất, lấy hết sức đưa thuyền lên mà chẳng mảy may nghĩ đến đôi chân cứa máu.

Trên bờ, mẹ anh Đông gần 80 tuổi hướng đôi mắt mờ đục về phía biển, lặng lẽ nhìn con, cháu vất vả mưu sinh ngày Tết rồi ngậm ngùi: “Chúng nó tranh thủ đi lấy may đầu năm, vậy mà trời không thương, cá ít quá. Thế này thì năm nay đói cô ạ. Đi 3 tiếng mà chỉ có được hơn một cân cá, lại cá bé nữa thì để dành nấu bát canh chua cho bữa chiều thôi chứ không ai mua”.

Đi làm là đi chơi tết

Xóm vạn chài xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An) trông còn ảm đạm hơn. Ngoài một vài mái nhà có vẻ kiên cố, được gọi là “nhà hàng” để phục vụ du khách vào mùa hè là những mái nhà lụp xụp, bao phủ lên đó là vẻ xác xơ, hiu hắt.

Giữa bãi biển mênh mông, bà Phạm Thị Thủy (65 tuổi) đang khom lưng nhặt từng con sò cho vào giỏ. 9h sáng, người phụ nữ ấy đạp xe 3 cây số đến đây nhặt nhạnh, lúc này là 1h chiều, trên tay bà là một nhúm sò lẫn lộn con to, con nhỏ, cả những con mà dù sống ở vùng biển hàng chục năm nay, tôi vẫn chưa biết gọi tên nó là gì.

Bà Thủy nói, ngày thường bà làm ruộng nhưng nay chưa có việc gì làm nên tranh thủ đi đào nghêu để kiếm thêm thu nhập, bù vào những ngày nông nhàn sắp tới. 2 cân sò nhặt được, bà sẽ bán với giá 15.000 đồng/kg. Thế là 4 tiếng lủi thủi một mình trong khi người ta đang chơi Tết, bà kiếm được 30.000 đồng. Không biết, bà có bù nổi không…

Không đơn độc như bà Thủy, ông Nguyễn Văn Sinh (68 tuổi, Diễn Hải, Diễn Châu) đi đào nghêu, nhặt sò cùng hai con dâu và mấy đứa cháu. Cả một gia đình mấy thế hệ đi làm ngày Tết rộn rã cả một vùng biển.

4 tiếng nhặt nhạnh trên bờ biển, ông Sinh kiếm được 80.000 đồng từ 5 cân nghêu, sò lẫn lộn. Ảnh: C.T.L
4 tiếng nhặt nhạnh trên bờ biển, ông Sinh kiếm được 80.000 đồng từ 5 cân nghêu, sò lẫn lộn. Ảnh: C.T.L

Giơ chiến lợi phẩm là 1 túi sò trên tay, ông Sinh cười móm mém: “Đi làm đông vui như này, coi như là đi chơi Tết đi cho đỡ cực. Cả con dâu, cháu chắt cùng đi. Sáng giờ nhặt được 4, 5 cân rồi. Nhặt ăn thì khỏe vì nhỏ, to gì cũng ăn. Nhặt bán thì khổ lắm. Phải chọn con to mới nhặt, con nhỏ người ta không mua”.

May thay, vừa nói dứt lời, có mấy vị khách đến hỏi mua. Khuôn mặt ông Sinh rạng rỡ hẳn, chạy đi kiếm túi nilong gói cho khách. 5 cân sò lẫn nghêu, cặm cụi nhặt trong 4 tiếng, ông Sinh bán được 80.000 đồng.

Bà Thảo Vinh (68 tuổi), dắt díu theo 4 đứa cháu đi bộ từ xã Diễn Hải sang bờ biển xã Diễn Kim để nhặt sò. Khổ nỗi vùng biển bà dừng chân không có sò để nhặt nên bốn bà cháu ngồi nhìn nhau. Khuôn mặt nhăn nheo, đượm buồn, bà Vinh nói: “Tưởng tranh thủ đi làm ngày Tết mà không có gì cả. Giờ lại phải đi bộ về tay không”.

Tôi vừa rời khỏi vùng biển “được mùa sò” nên chỉ cho 4 bà cháu tới đó. Thấy vậy, bà Vinh mừng rỡ dắt cháu hối hả chạy đi, không quên nói lời cảm ơn.

Ở quê, người ta đi làm cả năm cốt để cuối năm lo cho được cái Tết tươm tất. Vậy mà Tết chưa hết, ai nấy lại vội vã rời đi. Tết của những đứa trẻ cũng không còn trọn vẹn.

Theo Báo Lao động