Kiếm sống ở chợ di động
(Dân trí) - Hình ảnh những người bán dạo gánh đôi quang trĩu vai, chất đầy rau quả, cá thịt, đi tất tưởi trong những con ngõ ngoằn nghoèo, sâu hun hút đã quá đỗi quen thuộc với người dân Hà Nội. Người ta gọi đó là chợ di động.
Gọi là chợ bởi những người bán dạo đem đi buôn bán không thiếu một thứ gì. Chợ “cố định” có gì, họ có nấy. Ngõ nào, phố nào cũng vậy, sáng ra, những tiếng rao: “Ai xôi xéo, xôi lạc! Ai bánh dày, bánh giò, bánh khúc! Ai bánh mỳ nóng giòn đây…” dường như đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống!
Đến khoảng 9-10 giờ trưa, lại thêm những tiếng rao khác: “Ai rau mùng tơi, rau đay, rau muống! Ai cá quả, cá chép”... Nhiều người dân sống trong các ngõ ngách đã quen thuộc với cách đi chợ tại gia như thế này. Chỉ cần mở cổng là hàng hóa, thực phẩm cái gì cũng đủ cả.
Chị Nguyễn Thị Hằng quê ở Thái Bình thường gánh hàng rao bán qua ngõ ngách ngoằn nghèo, hun hút trong làng Kim Liên. Có thâm niên 5 năm trong nghề hàng rong quang gánh, chị đã thấm cả những nỗi nhọc nhằn khi làm nghề này. “Tôi chỉ đi bán hàng rong khi việc nhà nông nhàn nhã, vụ mùa, đồng áng xong xuôi. Nghề vất vả lắm. Có khi đi rạc chân cả ngày cũng chỉ lãi được chục nghìn”, chị kể lể.
Sáng sáng, chị Hằng rời khu nhà trọ và ra chợ Cầu Giấy mua buôn rau quả. Gánh rau quả tổng hợp sẽ theo chị đến tận cuối ngày, theo khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.
Buổi trưa, chị Hằng ngồi ở công viên nhỏ trước cổng ĐH Thủy Lợi, tay cầm một mảnh bìa với cây bút bi: “Đây là sổ ghi hàng của tôi”. Mảnh bìa được gập làm ba làm tư, ghi chi tiết: “3 kg su su, 3kg gừng, 4kg bí đao, 6kg rau cải bẹ, ớt, hành, tỏi...” Tôi nhẩm tính, như vậy tổng số trên vai chị cũng đã ngót nghét hơn hai chục cân. Chị bảo: “Thế mà có hôm phải bỏ của chạy lấy người, dân phòng đuổi kinh lắm”. Rồi “khoe”: Đã từng phải đi nộp phạt mấy lần, nhưng cũng chẳng thể bỏ nghề vì xảy ra là chẳng biết làm gì ra tiền cả.
Công việc dù nhọc nhằn nhưng vì cuộc sống, nhiều người vẫn làm miệt mài. |
Giống như chị Hằng, chị Nguyễn Thị Thu ở Thường Tín - Hà Tây cũng làm nghề bán hàng dạo ở Hà Nội từ mấy năm nay. Không có tiền vào chợ thuê chỗ ngồi, chị chỉ còn cách chọn lựa là gánh hàng đi bán dạo.
Chục củ su hào, vài nải chuối, mớ tía tô… chỉ đáng giá ba xu một đồng, nhưng đó là cần câu cơm nuôi mấy miệng ăn ở quê. Chồng chị Thu làm phụ vữa, hai vợ chồng phải làm cật lực, chắt chiu từng đồng thì mấy đứa nhỏ mới có thể đến lớp.
Chị Thu cho hay: Vốn bỏ ra khoảng trên dưới 200 nghìn đồng. Tiền lãi thì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hôm nào mưa rét thì kiếm được khoảng 20-30 nghìn đồng, nhưng cũng có những hôm chỉ kiếm được chục bạc.
Chị Lê Thị Huế, 28 tuổi, quê ở Hưng Yên ngượng ngùng nói: “Nghề này sống được nhờ sự siêng năng cần cù, đổi công sức thành đồng tiền. Huế nói dối gia đình là lên thành phố làm nghề may, chẳng ai biết được chị bán hàng rong vất vả như thế này. Hàng tháng, chị vẫn gửi về nhà ít nhất 200 nghìn để giúp đỡ gia đình.
Ở những khu trọ, họ - những người bán hàng rong - sống với nhau như một đại gia đình. Các chị đều là những người hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Khi chỉ là cho mượn lọ dầu gió, lúc thì cho vay vài ba chục nghìn… Cảnh sống rất êm thuận.
Tự nhiên tôi suy nghĩ miên man, nếu một ngày kia vắng đi những tiếng rao, những bóng người gồng gánh liêu xiêu trong con ngõ nhỏ… Hình ảnh Hà Nội lúc ấy không biết sẽ ra sao…
Án Văn Long